Còn nhớ chỉ cách đây chưa đầy 4 tháng, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2,3, cánh đồng Quang Kim đã bị san phẳng bởi cát, bùn và đá. Theo thống kê, 124 ha lúa tại xã Quang Kim, Cốc San của huyện Bát Xát bị vùi lấp mất trắng, nhiều tài sản, nhà ở, trâu bò, lợn, gia cầm, thủy sản bị cuốn trôi, đời sống của người dân rất khó khăn.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai khẩn trương triển khai một số nội dung khôi phục sản xuất nhằm hỗ trợ nông dân 2 xã Quang Kim, Cốc San sớm ổn định cuộc sống. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Nghiên cứu Ngô, Trung tâm Khuyến nông Lào Cai đã thực hiện 4 mô hình sản xuất gồm: mô hình chăn nuôi gà thả vườn, mô hình nuôi cá trong ao, mô hình sản xuất khoai lang trên đất pha cát và mô hình sản xuất ngô giống mới vụ thu đông. Việc lựa chọn những mô hình sản xuất này được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương bởi có thời gian triển khai ngắn, nhanh cho thu nhập và kịp thời vụ.

Để việc triển khai mô hình hiệu quả, các đơn vị thực hiện đã tiến hành khảo sát địa bàn hai xã, lựa chọn các hộ đủ tiêu chuẩn, phân công cán bộ kỹ thuật, chuyên gia bám sát, chỉ đạo việc thực hiện. Theo chia sẻ của TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm đã cử 2 cán bộ kỹ thuật làm đầu mối để bà con nông dân trong hai xã có thể liên hệ trực tiếp khi có vướng mắc trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, công tác tập huấn kỹ thuật cho bà con cũng được chú trọng, đặc biệt là các biện pháp xử lý môi trường sau lũ, kỹ thuật chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, kỹ thuật chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng một số cây màu, kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính trong ao, nuôi cá chép lai V1 là chính trong ao…

Sau hơn 3 tháng triển khai, ngày 25/12/2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã cùng Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai tổ chức hội nghị tổng kết mô hình và đánh giá công tác chỉ đạo khôi phục sản xuất sau cơn bão số 2, 3. 

Toàn cảnh hội nghị

Được biết, 50 hộ dân của hai xã đã được lựa chọn để tham gia mô hình chăn nuôi gà thịt thả vườn. Các hộ nuôi gà được cấp 10.000 con gà giống J-Dabaco 1 ngày tuổi. Mô hình tổ chức úm gà tập trung đến 21 ngày tuổi, tiêm phòng đủ các loại vắc-xin, gà khỏe mạnh mới đưa về các hộ để nuôi nên đàn gà có tỷ lệ sống cao. Các hộ đã thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông. Đến nay, trọng lượng bình quân của đàn gà đạt 1,95 kg/con, tăng hơn 0,35 kg so với yêu cầu của mô hình. Tính toán sơ bộ, mỗi hộ nuôi 200 con gà, sau 3 tháng nuôi, mỗi hộ thu về 28 triệu đồng, lãi 5,6 triệu đồng. 

Tham quan mô hình nuôi gà thả vườn tại hộ chị Lý Thị Hoa ở thôn Làng Quang, xã Quang Kim

Mô hình nuôi cá được thực hiện trên 4 ha, trong đó 2 ha nuôi cá rô phi Đường nghiệp, 2 ha nuôi cá chép lai V1 ghép với cá trắm cỏ, trôi, mè. Sau 80 ngày nuôi, tỷ lệ sống 81,25%, trọng lượng cá từ 320-330 gam/con. Ước tính, mỗi hộ tham gia mô hình có 1.000m2 ao, được hỗ trợ nuôi 2.000 con cá giống rô phi Đường nghiệp, dự kiến sau 6 tháng nuôi, cá có khối lượng trung bình 700 gam/con, bán với giá 40.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập 42 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất (chưa tính công lao động) còn lãi 14,5 triệu đồng. Các hộ nuôi cá chép cũng sẽ có khoản lãi trên 20 triệu đồng sau 7 tháng nuôi với 1.000m2 ao và 3.000 con cá giống.

Mô hình nuôi cá chép lai V1 là chính tại xã Quang Kim

Chúng tôi cũng đi thăm mô hình trình diễn giống khoai lang trên đất pha cát và mô hình trồng ngô giống mới. Đây là hai mô hình do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có củ (Viện Cây lương thực và cây thực phẩm) và Viện Nghiên cứu Ngô hỗ trợ giống. Mô hình trồng khoai lang sử dụng giống khoai Hoàng Long và KL20-209 trên diện tích 24 ha do 120 hộ thực hiện. Sau 3 tháng trồng, cây khoai lang sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất giống Hoàng Long đạt trên 14 tấn củ/ha, dự kiến thu hoạch sau 4 tháng trồng sẽ cho năng suất khoảng gần 16 tấn củ/ha. Sản lượng của cả mô hình đạt trên 300 tấn củ và toàn bộ sản lượng khoai lang này đã được hợp tác xã Vàng Xanh cam kết thu mua.

Với mô hình trồng ngô sử dụng các giống ngô tẻ LVN885, LVN092, LVN146 (6ha), giống ngô nếp NL556 (0,5ha). Sau 2 tháng trồng, ngô nếp đã cho thu hoạch, giá bán tại vườn bắp ngô tươi bình quân là 1.000 đồng/bắp, giá trị thu được đạt 25 triệu đồng/0,5ha. Diện tích trồng ngô tẻ dự kiến sẽ cho năng suất đạt 40-45 tạ/ha, giá trị thu đạt trên 20 triệu đồng/ha.

Tại hội nghị, lãnh đạo huyện, xã và nhiều hộ dân bày tỏ niềm vui trước hiệu quả của những mô hình đem lại. Anh Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quang Kim phấn khởi cho biết: “Sau cơn lũ, được sự tư vấn và hỗ trợ của các ngành, các cấp, bà con trong xã đã nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Thu nhập của các hộ tham gia mô hình đã tăng 4 lần so với trồng lúa. Giờ đây, bà con Quang Kim không còn phải lo đón tết trong cái đói nghèo. Tết này, bà con không những đủ ăn mà còn có thu nhập tăng thêm”.

Chủ mô hình nuôi gà thả vườn - chị Lý Thị Hoa ở thôn Làng Quang, xã Quang Kim cho biết, sau lũ, nhà chị mất trắng đàn gà. Được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 200 con gà giống, thức ăn, vật tư, vắc-xin…, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, chị đã khôi phục việc chăn nuôi của gia đình. Hiện đàn gà nhà chị khỏe mạnh, trọng lượng bình quân gần 2 kg/con. Với giá bán 75.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi khoảng 5,6 triệu đồng.

Anh Vùi A Lủi, thôn Làng kim 2, xã Quang Kim chia sẻ: “Sau lũ, gia đình tôi bị vùi lấp 11 sào lúa. Gia đình tôi được tham gia mô hình trồng ngô. Cây ngô phát triển rất tốt. Tôi đã thu hoạch ngô nếp, thu 25 triệu đồng. Ngô tẻ chuẩn bị cho thu hoạch, dự kiến tôi sẽ thu được 20 triệu đồng/ha. Tết này tôi không còn gì phải lo lắng nữa”.

Anh Vùi A Lủi chia sẻ niềm vui khi được tham gia mô hình trồng ngô

Ông Đoàn Anh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: “Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các ban ngành Trung ương, đặc biệt là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã cung cấp con giống, mở lớp tập huấn giúp bà con khôi phục sản xuất, khắc phục khó khăn sau lũ. Quan trọng hơn, những mô hình khuyến nông đã giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn đưa những giống vật nuôi, cây trồng mới vào sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật. Bước đầu xã Quang Kim đã thành lập được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm gà cho bà con nông dân, mở hướng phát triển sản xuất mới gắn với tái cơ cấu ngành chăn nuôi tại địa phương”.

Tham dự hội nghị, thăm các mô hình sản xuất và lắng nghe chia sẻ của bà con nông dân, Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai - ông Nguyễn Hữu Thể đã có những phát biểu rất tâm huyết. Ông cảm ơn Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cấp, các ngành, sự cố gắng của bà con hai xã Quang Kim, Cốc San để có một mùa vụ bội thu, đặc biệt là sau khi cơn lũ quét đi qua. Chỉ ra nguyên nhân của những thắng lợi trên, ông khẳng định, trước hết là do ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vượt khó, không cam chịu đói nghèo, không khuất phục trước thách thức của bà con nơi đây. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo bài bản, sâu sát của các cấp từ cơ sở đến trung ương. Đặc biệt đóng góp vào thành công này có vai trò rất lớn của lực lượng khuyến nông trung ương và địa phương đã bám sát cơ sở, giám sát, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các giải pháp, biện pháp kỹ thuật trong sản xuất cây trồng, vật nuôi, giúp người dân trong vùng sớm ổn định cuộc sống. Trong khi các địa phương khác còn đang lúng túng tìm biện pháp và nguồn lực hỗ trợ thì sau hơn 3 tháng triển khai các mô hình khuyến nông, cuộc sống nơi đây đã dần hồi sinh. Ông đánh giá đây là những mô hình thích hợp để khắc phục thiên tai và mong muốn huyện Bát Xát cần tiếp tục nhân rộng những mô hình khuyến nông này. Trên cơ sở những mô hình khuyến nông, lãnh đạo huyện và xã Quang Kim cần có kế hoạch biến cánh đồng 80 ha của xã thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tạo thu nhập cho người dân, để Quang Kim trở thành xã anh hùng trong thời kỳ đổi mới. 

Đến Quang Kim hôm nay, vẫn còn đó những ngấn nước trên tường nhà, những mảng bùn bám trên hàng rào nhưng cánh đồng Quang Kim đã phủ một màu xanh của khoai, của ngô và trong vườn nhà rộn ràng tiếng gà. Dù còn nhiều bộn bề phía trước nhưng cuộc sống nơi đây đã hồi sinh chỉ sau cơn lũ chưa đầy 4 tháng. Niềm vui của người dân nơi đây đã làm ấm lòng những người làm công tác khuyến nông để tiếp tục vững bước trên con đường chuyển tải khoa học kỹ thuật.

 BBT