Từ đó làm tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao động; mở rộng diện tích canh tác, đáp ứng được yêu cầu sản xuất lớn; tiết kiệm chi phí đầu tư, cải thiện chất lượng sản phẩm nông sản, tăng thu nhập; đáp ứng kịp thời mùa vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, đồng thời bảo vệ môi trường theo hướng bền vững... là ước mơ, là mong mỏi của người nông dân trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có điều kiện địa hình, kinh tế khó khăn và trình độ dân trí còn thấp như hiện nay. Điều đó đã trở thành hiện thực và hiệu quả được chứng minh từ thực tiễn khi dự án cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được triển khai. Việc tổ chức thực hiện áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa là phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, ngành NN&PTNT trong mối liên kết “bốn nhà” nhằm đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất, phù hợp với các mục tiêu trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, từng bước hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

 

Dự án cơ giới hóa trong sản xuất lúa được thực hiện trên 27 tỉnh, thành phố trong 3 năm, từ năm 2011-2013. Tổng số máy hỗ trợ của dự án là 345 máy làm đất đa năng và 80 máy gặt đập liên hợp các loại, với 745 hộ tham gia mô hình được hưởng lợi trực tiếp, gần 3.000 nông dân ngoài mô hình được tham gia tập huấn kỹ thuật, hơn 4.000 nông dân được tham gia hội thảo và tham quan mô hình trình diễn để nhân rộng áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Dự án hỗ trợ 100% kinh phí khi triển khai tại các tỉnh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là điểm phù hợp có tính thuyết phục cao của dự án, bởi nếu không có sự hỗ trợ và chỉ đạo giám sát trực tiếp của dự án, bà con nông dân ít nơi có đủ khả năng kinh tế để chủ động mua máy, không có cơ hội tiếp cận kỹ thuật và xây dựng quy chế quản lý sử dụng máy theo quy mô nhóm hộ dịch vụ, phát huy tối đa hiệu quả của máy như hiện nay.

 

Nhiều bà con nông dân đã được tham dự các hội nghị nhân rộng mô hình 

 

Năm 2013, dự án Cơ giới hóa trong sản xuất lúa tiếp tục được triển khai sớm, đảm bảo đúng mùa vụ sản xuất. Đến nay, các mô hình đã hoàn thành các hoạt động hiện trường, tổ chức hội thảo, tham quan mô hình và tổng kết, nghiệm thu theo kế hoạch. Nhiều đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, các đơn vị quản lý đánh giá công tác triển khai, thực hiện của dự án đúng tiến độ, các bước kỹ thuật được tiến hành đúng trình tự, cấp phát máy, vật tư và tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đầy đủ, đạt hiệu quả cao.

 

Qua trao đổi với bà con nông dân tại các xã triển khai dự án, chúng tôi ghi nhận công tác chọn điểm, chọn hộ tham gia dự án đã được tiến hành dân chủ, công bằng và công khai theo quy định. Căn cứ đúng nội dung, yêu cầu của dự án và hướng dẫn của chủ nhiệm dự án để xác định cụ thể các tiêu chí chọn điểm, tiêu chuẩn chọn hộ phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương. Cán bộ triển khai đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiến hành họp dân bình xét và bầu chọn theo tiêu chí hoặc sử dụng các hình thức bốc thăm, biểu quyết nếu ngang bằng về các tiêu chí xét chọn đã đưa ra theo kế hoạch. Vì vậy kết quả bầu chọn đều được sự đồng thuận và ủng hộ của các hộ dân tham gia cũng như chính quyền địa phương.

 

Theo báo cáo tổng kết và đánh giá thực tế của các đoàn kiểm tra, hiệu quả từ việc áp dụng máy cơ giới hóa vào sản xuất lúa là rất lớn. Mỗi máy làm đất đa năng đã thực hiện làm đất cho 8-12 ha đất trồng lúa/vụ, ngoài ra máy còn được các hộ đưa vào làm đất để trồng màu, chăm sóc vun xới cho cây ăn quả 6-10 ha/năm. Riêng máy gặt đập liên hợp đã phát huy công suất làm việc hiệu quả khi thu hoạch bình quân cho 10-12 ha/năm/vụ (loại nhỏ); 25-30 ha/năm/vụ (loại trung bình) và loại lớn là 70-90 ha/năm/vụ, góp phần tăng năng suất lao động từ 20-25 lần; giảm chi phí khâu thu hoạch từ 35 đến 45%.

 

Việc mua sắm máy, vật tư, thiết bị hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục quy định của nhà nước. Máy đúng chủng loại, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, lựa chọn các cơ sở uy tín để cung cấp cho dự án. Qua kiểm tra thực tế 13 máy tại 7 điểm thuộc 6 tỉnh miền núi phía Bắc nhận thấy: sau 1-2 năm hoạt động máy vẫn sử dụng tốt, hiệu quả. Máy và các phụ kiện đi kèm bao được bàn giao cho trưởng nhóm quản lý, bà con tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về vận hành, bảo quản và cất giữ cẩn thận, bảo dưỡng định kỳ, nhóm tự đưa ra quy chế sử dụng và làm dịch vụ tăng thu, vừa hỗ trợ các hộ khác vừa có kinh phí sửa chữa bảo dưỡng máy khi có sự cố kỹ thuật. Nhiều nhóm hộ tham gia mô hình còn sáng tạo tự cải tiến thêm rơ-mooc kéo để vận chuyển phân bón, nông sản và phù hợp với điều kiện giao thông nông thôn miền núi của địa phương.

 

Ông Lù Văn Xuân ở Đội 12, xã Thanh Chăn – Thành phố Điện Biên cho biết: “Dự án đã bố trí cán bộ kỹ thuật theo dõi, chỉ đạo mô hình là người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn và trình độ chuyên môn về cơ khí phù hợp. Các cán bộ khuyến nông luôn sâu sát, thường xuyên bám sát địa bàn để kiểm tra, hướng dẫn chúng tôi vận hành đúng kỹ thuật. Giá trị cái máy lớn, giải phóng được sức lao động và cho hiệu quả cao như vậy, chúng tôi rất quý và luôn chấp hành”.

Tuy dự án mới chỉ hỗ trợ máy móc ở các khâu làm đất, gặt đập liên hợp nhưng nông dân tham gia mô hình đã có thể hạch toán để thấy lợi ích của việc sản xuất tập trung và áp dụng cơ giới hoá đồng bộ. Ông Lèng Diu Sỹ - đại diện trưởng nhóm được hỗ trợ máy gặt đập liên hợp tại xóm Cốc Tủm 2, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai nói: “Nếu gặt tay và làm đất thủ công, khi vào vụ giá thuê nhân công sẽ rất cao, công gặt lên tới 250.000 đồng/sào (1 sào = 360m2) mà vẫn không thuê được người. Vì gặt tay chậm nên việc làm đất gieo mạ cũng ảnh hưởng, nhiều mùa chậm thời vụ nên việc gieo mạ cũng tuỳ tiện, nhiều hộ cấy mạ quá non, hoặc quá già, dẫn đến lệch mùa vụ, dễ gặp rủi ro do bệnh tật thiên tai. Việc thu hoạch đúng mùa cho năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm cũng cao hơn. Bây giờ có máy rồi gặt rất nhanh, làm đất đồng loạt nên nông dân tiết kiệm tới một nửa thậm chí chỉ mất 1/3 chi phí và thời gian so với trước. Bà con ở đây thích nhất là máy nhỏ, nhẹ, nên dễ sử dụng, đặc biệt là rất cơ động để làm ở các mảnh ruộng bé, góc cạnh và di chuyển trên các thửa đất trũng không bị sục lún cũng như leo trèo qua các thửa ruộng cao thấp khác nhau rất dễ. Có máy móc hỗ trợ nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất, thậm chí còn dư nhân công đi làm thuê kiếm thêm thu nhập, đi học hoặc làm công nhân phấn khởi lắm”.

 

Ứng dụng máy gặt đập liên hợp trong sản xuất lúa cho hiệu quả cao

 

Hiện nay các chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã và đang mở ra cơ hội và thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương và bà con nông dân, đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật theo quy trình khép kín trong các khâu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa. Việc tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp phải được ưu tiên thực hiện để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập. Chính vì thế, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện một số chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Cần có các chính sách thích hợp như hỗ trợ vốn cho nông dân, tăng cường công tác đào tạo và thông tin tuyên truyền, phát huy tối đa vai trò liên kết 4 nhà, đặc biệt là vai trò chủ đạo của các đơn vị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, là cầu nối đưa các công trình nghiên cứu, các đề tài ra đồng ruộng, ra thực tiễn sản xuất. Có như vậy, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nước ta mới thực sự là đòn bẩy để phát triển nền nông nghiệp theo kịp nền nông nghiệp tiên tiến ở các nước trong khu vực và thế giới.

 

Xuân Minh - TTKNQG