Năm 2019 dự án đã thực hiện chuyển giao được 5 mô hình vỗ béo bò thịt với 10 điểm trình diễn, quy mô 1025 bò được vỗ béo tại các tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Lạng Sơn và Thái Nguyên. Khả năng tăng trọng bình quân đạt 726,6g/con/ngày, vượt so với yêu cầu 26,6g/con/ngày (tương ứng 3,8%). Hiệu quả kinh tế của mô hình vỗ béo bò tăng từ 12 - 15% so với chăn nuôi truyền thống.

Cũng trong năm 2019, dự án xây dựng được 5 mô hình cải tạo đàn bò bằng TTNT với quy mô 997 con bò được TTNT. Dự án đã sử dụng tinh bò đực ngoại có năng suất, chất lượng cao như Brahman, BBB, Red Sindhi nên bê sinh ra có khối lượng lớn bình quân đạt 24,6 kg/con, khối lượng cơ thể đến 6 tháng tuổi đạt 122,6 kg/con, tỷ lệ nuôi sống đến 6 tháng tuổi đạt 99,7% đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, đồng thời thông qua dự án đã góp phần tăng tỷ lệ bò lai tại các địa phương triển khai dự án gồm: Đắk Lắk, Ninh Thuận, Quảng Bình, Thanh Hóa và Thái Nguyên.

Các đại biểu tham quan mô hình tại xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa

Đã có 850 lượt nông dân trong mô hình và 600 nông dân ngoài mô hình được tập huấn kỹ thuật TTNT và kỹ thuật vỗ béo bò thịt; 285 lượt nông dân tham quan học tập. Các lớp đào tạo, tập huấn và tham quan được các học viên và chính quyền địa phương đánh giá cao.

Hiệu quả về kinh tế:

- Mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật TTNT: Với 1016 bò được TTNT có chửa năm 2018, đến năm 2019 đã cho ra đời 1016 con bê lai. Mỗi bò lai 1 tuổi có giá trị cao hơn bò nội khoảng 4 - 5 triệu đồng/con. Bò BBB có giá trị cao hơn bò nội 8 - 9 triệu đồng/con. Đặc biệt, tăng nhanh đàn bò, cải thiện khả năng di truyền, cải thiện được năng suất, chất lượng các thế hệ đời sau; tạo ra đàn con lai có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với bò vàng Việt Nam.

- Mô hình bò vỗ béo: Bò được tiêm tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi vỗ béo và cho ăn thức ăn tinh kết hợp với thức ăn xanh hợp lý nên bò có khả năng tăng trọng nhanh. Bình quân đạt 726,6g/con/ngày. Tính bình quân cho 01 bò sau 3 tháng vỗ béo bò tăng trọng bình quân 65kg/con, hiệu quả kinh tế tăng 12 - 15% so với các hộ ngoài mô hình dự án.

Hiệu quả về xã hội:

Dự án đã tác động tích cực đối với phát triển sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Giúp người chăn nuôi thay đổi cách nghĩ trong sản xuất, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò  và phong trào ứng dụng TTNT vào sản xuất.

Hộ dân Bùi Thị Lê - xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho biết, gia đình bà nuôi bò sinh sản đã được 13 năm. Trước đây, bà thường phối tinh bò giống địa phương, một con bê từ lúc sinh ra đến lúc xuất bán 13 tháng chỉ thu về trên dưới 10 triệu đồng. Năm 2018, bà được hỗ trợ TTNT giống bò BBB đã cho hiệu quả cao hơn hẳn. Bò được TTNT bằng tinh ngoại giống BBB, bê sinh ra lớn nhanh, ít dịch bệnh, hay ăn, chóng lớn. Vừa rồi, gia đình xuất bán một con bê BBB, nuôi hơn 6 tháng được gần 20 triệu đồng. Thấy hiệu quả cao, gia đình bà đã chủ động TTNT giống bò BBB. Các hộ dân ở đây hiện cũng rất ưa chuộng sử dụng tinh bò ngoại để phối giống.

Bà Bùi Thị Lê - xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ tại Hội nghị

Ông Trần Quang Chung -  xã Hà Tiến chia sẻ, qua các buổi tập huấn, nhờ có tài liệu và cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con nông dân, trong 3 năm qua đàn bò ở đây phát triển mạnh, chất lượng đàn bò địa phương được cải tạo, nâng cao hiệu quả kinh tế. Để có lãi nhiều hơn, người dân mong được bổ sung thêm kiến thức về chăn nuôi bò lai, vỗ béo bò thịt…

Trong Hội nghị tổng kết dự án năm 2019 ngày 10/12/2019 tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, ý kiến của đại diện các tỉnh tham gia dự án gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái, Thái Nguyên đều cho rằng: Dự án triển khai thực sự phù hợp với điều kiện chăn nuôi của các tỉnh triển khai và có khả năng nhân ra diện rộng thông qua hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội. Dự án đã góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng giá trị gia tăng, hiệu quả và thu nhập cho nông dân thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, dự án còn một số khó khăn khi triển khai tại các xã miền núi, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi của người dân còn hạn chế, do tập quán chăn nuôi bò chủ yếu là bán chăn thả, thả rông trên đồi núi nên việc phát hiện động dục và phối giống cho bò còn gặp nhiều khó khăn đòi hỏi cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát mô hình, hướng dẫn chi tiết đến từng hộ…

Toàn cảnh hội nghị

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính” đã đáp ứng nhu cầu về cải tạo đàn bò địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò. Với tình hình dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019 các địa phương đã chuyển đổi sang các loại vật nuôi khác, ngoài chăn nuôi gia cầm như gà, vịt thì bò thịt là đối tượng rất được quan tâm. Theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất, giai đoạn 2020 - 2022 chăn nuôi bò thịt sẽ rất quan trọng. Các tỉnh triển khai dự án cần thông qua các mô hình trình diễn, thông tin tuyên truyền nhằm nhân rộng, lan tỏa hiệu quả của mô hình đến người dân địa phương học tập và làm theo.

Thúy Hiên