Tuy nhiên kỹ thuật nuôi của người dân còn hạn chế, hình thức nuôi nhỏ lẻ, manh mún, số lượng đàn/ hộ còn ít, người nuôi ong chưa có nhiều kiến thức để kiểm tra nắm bắt tình hình... Vì vậy không tăng nhanh được số lượng đàn nên năng suất, chất lượng mật không cao.

Trước những khó khăn đó, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình đã triển khai dự án xây dựng nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên nhằm áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong nuôi ong như: cách thiết kế thùng ong cải tiến, công tác chọn lọc giống, chuẩn đoán và phòng trị bệnh cho ong, phân tích đánh giá chất lượng các sản phẩm mật ong.

Dự án đã hỗ trợ cho 5 hộ dân thuộc phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, mỗi hộ 20 đàn ong nội (A.cenara), mỗi đàn có 3 cầu đạt tiêu chí về kỹ thuật và chất lượng con giống, đảm bảo tỷ lệ trứng, ấu trùng, nhộng. Đồng thời cấp 20 kg đường/hộ và được tập huấn về kỹ thuật nuôi ong...

Ông Lại Ngọc Canh, tổ 24 phường Đồng Tiến - hộ tham gia mô hình chia sẻ: “Trước khi chưa có mô hình dự án, các hộ nuôi ong chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm bản thân nên hiệu quả không cao, không biết cách quản lý nên hay xảy ra dịch bệnh. Từ khi được tham gia mô hình, các hộ cũng như gia đình tôi được tập huấn kỹ thuật nên đã nắm được nhiều kiến thức áp dụng vào thực tế gia đình. Đến nay gia đình tôi có 50 đàn ong (trong đó có 20 đàn được hỗ trợ). Năm 2017 gia đình thu được 500 – 600 lít mật với giá bán 200.000 đồng/lít thu về gần 100 triệu đồng mỗi năm”.

Kết quả sau 9 tháng thực hiện (từ tháng 3 - 11/2017), đàn ong sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, không mắc dịch bệnh, năng suất mật ước đạt 18,8 kg/đàn/năm, tăng hơn 13% so với hộ ngoài mô hình.

Đại biểu cùng các hộ dân tham quan tổng kết mô hình ong tại Phường Đồng Tiến - Hòa Bình

Thành công của mô hình giúp người dân xóa bỏ được tập quán nuôi ong tự phát, giảm được tình hình lây lan dịch bệnh, giúp nâng cao được chất lượng mật, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt do được đàn ong thụ phấn cho hoa. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng thu nhập cho các hộ, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương./.

Đình Thủy

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình