Toàn cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, chủ nhiệm dự án, đại diện các đơn vị thực hiện dự án đã báo cáo những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện dự án để các đại biểu cùng bàn giải pháp nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá tra thương phẩm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo, dự án đã xây dựng được 20 mô hình trình diễn với tổng số 23 cơ sở nuôi cá tra thâm canh tham gia. Đến cuối năm 2015, 100% cơ sở nuôi cá tra tham gia dự án đã được cấp chứng nhận “Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam” (VietGAP) với tổng diện tích 88,66 ha.

Năm 2015, dự án tổ chức được 20 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh, ghi chép hồ sơ sổ sách đảm bảo đúng theo quy phạm VietGAP cho 571 lượt học viên là các hộ tham gia dự án tham dự. Năm 2016, TTKNQG tổ chức 3 lớp tập huấn ngoài mô hình thu hút 103 học viên tham dự.

Tại mô hình trình diễn có xây dựng các pano biển báo để chỉ dẫn giới thiệu thông tin tuyên truyền đáp ứng đúng theo các tiêu chí VietGAP. Tổ chức tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương xã, huyện, đài truyền hình tỉnh thông tin mô hình trình diễn tại địa bàn triển khai, tổng số có 23 lượt phát thanh, đưa tin để người dân quan tâm biết đến và học tập làm theo.

Đánh giá về hiệu quả nhân rộng của mô hình cho thấy, thành công của mô hình giúp các hộ dân có thể tham quan học tập để áp dụng tốt hơn vào cơ sở nuôi của mình. Đồng thời mô hình tạo cho người nuôi thủy sản nhận thức được vai trò của VietGAP đối với nghề nuôi cá tra thương phẩm tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, chỉ trong năm 2015, diện tích nuôi cá tra thương phẩm được chứng nhận VietGAP tại 7 tỉnh dự án là trên 400 ha, tăng gấp 10 lần so với năm 2014.

Thăm và kiểm tra một mô hình nuôi cá tra theo VietGAP

Kết luận Hội thảo, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định thế mạnh của cá tra Việt Nam đang đứng số 1 thế giới. Vì vậy để nghề nuôi cá tra phát triển bền vững, các đơn vị và người nuôi cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

- Chi cục Thủy sản địa phương cần quản lý tốt đàn cá bố mẹ, đảm bảo chất lượng tốt, đáp ứng đủ nhu cầu cá giống của thị trường.

- Các viện, trường cần nghiên cứu tạo ra con giống chất lượng cao, khỏe mạnh, tăng tỷ lệ sống để giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế.

- Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư các tỉnh cần tổ chức tập huấn tuyên truyền lợi ích nuôi theo VietGAP để đảm bảo 04 tiêu chí: An toàn thực phẩm; An toàn dịch bệnh; An toàn môi trường sinh thái và An sinh xã hội.

- Các  cơ quan thông tin báo chí cần tuyên truyền về kỹ thuật nuôi theo VietGAP để cùng học tập làm theo.

- Cơ sở nuôi cá tra cần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như: cho ăn gián đoạn, quản lý môi trường nuôi tốt, thực hành nuôi theo VietGAP để đạt hiệu quả cao nhất.

- Xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm để có thị trường đầu ra ổn định và nghề nuôi cá tra phát triển bền vững.

Xuân Trường

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia