Tham dự Hội thảo gồm các đại diện lãnh đạo, chuyên viên Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư, nông ngư dân tiêu biểu tham gia dự án tại các tỉnh/thành phố Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa; Phân viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ; Trung tâm tư vấn, sản xuất, dịch vụ và chuyển giao công nghệ Hải sản (Viện Hải sản); Công ty TNHH thủy sản Cao Minh.

Toàn cảnh hội thảo

Trong năm 2016, dự án đã triển khai thành công 06 mô hình sản xuất ngao giống tại các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bến Tre. Với các tiêu chí chọn điểm, chọn hộ, cán bộ chỉ đạo đúng với yêu cầu của dự án, các mô hình triển khai đúng với quy trình kỹ thuật và đạt được kết quả nhất định và đạt được mục tiêu dự án đề ra. Tỷ lệ sống từ ngao giống cấp I lên cấp II đạt > 50%; tổng lượng con giống của 06 mô hình đạt 844,3 triệu con ngao giống cấp II (yêu cầu của dự án đạt 750 triệu con). Tỷ lệ sống của ngao giống cấp I lên cấp II của các hộ ngoài mô hình chỉ đạt tối đa 35%.

Kết quả dự án đã tác động tích cực đến người dân vùng ương nuôi ngao. Tại Hải Phòng đã có 10 hộ dân ngoài dự án thực hiện ương ngao giống với diện tích 5 ha, tại Thái Bình nhân rộng là 15 ha; Thanh Hóa nhân rộng được 143 ha từ nuôi tôm sú, tôm chân trắng không hiệu quả chuyển sang ương ngao giống.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến kỹ thuật sản xuất ngao giống, ngao thương phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm đề xuất các giải pháp sản xuất tránh tình trạng được mùa rớt giá.

Kết luận tại Hội thảo, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổng kết các đề xuất của các đại biểu như sau:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục có cơ chế chính sách quản lý chất lượng con giống, đầu tư cơ sở vật chất sản xuất con giống cho các vùng nuôi (đặc biệt là miền Bắc). Cấp tiếp kinh phí xây dựng mô hình, tập trung vào ương giống là chính nhằm giảm giá thành sản phẩm.

- Các viện nghiên cứu cần đề xuất đề tài cấp Bộ để sản xuất con giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt.

- Các chi cục thủy sản địa phương tăng cường quản lý chất lượng con giống; quy hoạch vùng nuôi, quản lý vùng nuôi hợp lý.

- Các trung tâm khuyến nông địa phương tăng cường nghiên cứu các mô hình hiệu quả; xây dựng các mô hình trình diễn chuyển giao để các hộ dân biết, học tập và làm theo.

- Bà con nông ngư dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao thu nhập làm giàu cho gia đình và cho xã hội.

Tăng Mỹ Trang 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia