Nhằm tuyên truyền kết quả và nâng cao hơn nữa nhận thức của nông dân về việc đẩy mạnh giảm lượng giống sử dụng trong sản xuất lúa, tăng cường trao đổi học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu kết quả thực hiện Dự án xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ năm 2016 giữa các đơn vị trong vùng, ngày 14/9/2016, tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp, Công ty phân bón Bình Điền đã tổ chức thành công hội thảo kết quả mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ vụ thứ nhất năm 2016 vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

TS. Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, đại diện lãnh đạo 13 xã của huyện Tháp Mười, các cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện đến từ 09 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ và Hậu Giang). Ngoài ra, các cơ quan báo đài trung ương và địa phương đã đến dự và đưa tin, đặc biệt có gần 100 nông dân trồng lúa của tỉnh Đồng Tháp đã đến tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các báo cáo viên lần lượt trình bày kết quả thực hiện dự án đến tháng 8/2016 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tại huyện Tháp Mười, phương pháp, bài học kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án của một số tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang. Đồng thời, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nông dân chia sẻ tập trung về kết quả mô hình của mình và kinh nghiệm sản xuất sau khi thực hiện mô hình.

Toàn cảnh hội thảo

Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, diện tích gieo trồng cả năm 2015 xấp xỉ 4,3 triệu hécta, năng suất bình quân 59,78 tạ/ha; sản lượng đạt gần 26 triệu tấn/năm. Giá thành sản xuất lúa toàn vùng còn cao, theo công bố của Bộ Tài chính ước tính bình quân toàn vùng vụ hè thu 2016 khoảng 3.840 đồng/kg, các tỉnh có giá thành cao là Trà Vinh, Đồng Tháp. Trong đó có nguyên nhân nông dân còn lạm dụng việc sử dụng lượng giống gieo sạ cao, bón thừa phân đạm, xịt bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật.

Theo số liệu tổng hợp từ 13 tỉnh đồng bằng sông Cửa Long năm 2014, phần lớn nông dân sử dụng lượng giống gieo sạ từ trên 100-150 kg/ha chiếm gần 60%, trong khi đó diện tích sử dụng giống gieo sạ 100 kg/ha chỉ chiếm trên 10%. Một số địa phương tỷ lệ sử dụng giống gieo sạ cao còn khá nhiều như Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.

Theo ông Nguyễn Viết Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười, dự án xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ là dự án của Bộ Nông nghiệp và PTNT bước đầu được triển khai tại các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bình Định và Phú Yên. Tại Đồng Tháp dự án bắt đầu triển khai từ tháng 4/2016, ở ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười với quy mô 30 ha, 16 hộ nông dân tham gia. Tham gia mô hình này, nông dân được hướng dẫn thử nghiệm việc giảm lượng giống gieo sạ chỉ còn 80kg/ha cấp giống xác nhận 1 (Jasmine 85), giảm chi phí sản xuất lúa trên 15% về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả mô hình, lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, bông to, hạt đẹp, năng suất đạt trên 6 tấn/ha. So sánh với chính hộ nông dân thực hiện dự án: giảm chi phí đầu vào trong sản xuất lúa khoảng 4 triệu/ha/vụ. Thông qua việc thực hiện mô hình, nông dân nhận thức tốt hơn về việc giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa, có khả năng tuyên truyền nhân rộng sang các hộ khác, việc thực hiện mô hình này góp phần bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

Các đại biểu tham quan mô hình tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp 

Kết luận tại hội thảo, TS. Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ vụ thứ nhất năm 2016 tại huyện Tháp Mười - Đồng Tháp thực hiện đúng tiêu chí của dự án, giảm lượng giống còn 80 kg/ha bằng sạ hàng, cấy. Trong sản xuất lúa để đạt hiệu quả cao hơn cần một số lưu ý: Mặt ruộng phải phẳng rộng, khống chế tiêu diệt ốc bươu vàng, điều tiết nước và phân bón, giảm lượng đạm bón, bảo vệ thực vật theo dự tính, dự báo, giảm số lần phun xịt. Đề nghị chủ nhiệm dự án và Trung tâm nghiên cứu Đồng Tháp Mười cần tiếp tục theo dõi, đánh giá thu hoạch và tính tới hiệu quả kinh tế mô hình, chuẩn bị điều kiện cho vụ sản xuất tiếp theo, cùng với hộ dân xác định giống, phương pháp gieo cấy, quy trình rút kinh nghiệm, chuẩn bị chỉ đạo thường xuyên; báo cáo cuối năm cần lưu ý xem xét tính lan tỏa của mô hình; Đối với huyện Tháp Mười cần giới thiệu, khuyến cáo mở rộng mô hình cho nhiều nông dân địa phương biết và làm theo; Đối với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần lập kế hoạch thực hiện và báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tình hình quản lý giống, thực hiện cam kết./.

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia