Ở Việt Nam, đã xác định nguồn phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt chủ yếu là cây lúa nước, lĩnh vực chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi đại gia súc. Chính vì vậy, với nguồn hỗ trợ ban đầu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) đã xác định, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông về kiến thức phát thải khí nhà kính, do đó đã đề xuất Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mời giảng viên đứng đầu lĩnh vực này từ Trường Đại học California Davis sang giảng dạy các lớp tập huấn và triển khai các hoạt động, với sự hỗ trợ của các cán bộ đầu ngành của Việt Nam, Thái Lan. Kết quả một số hoạt động chính như sau:

1. Đào tạo, tập huấn

Năm 2013, Dự án đã tổ chức 4 lớp tập huấn TOT; 2 lớp về trồng lúa tại Thái Bình và Cần Thơ; 2 lớp về chăn nuôi đại gia súc tại Hà Nội và Huế. Tổng số 120 học viên đã tham dự lớp học và được phát chứng chỉ, tài liệu, đĩa CD về nội dung tập huấn. Học viên bao gồm các cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện ở các tỉnh trong khu vực tổ chức lớp tập huấn. Mục đích phổ biến rộng cho hệ thống khuyến nông cả nước về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Những cán bộ được đào tạo sẽ là nòng cốt để giới thiệu, hướng dẫn kiến thức cho nông dân và các cán bộ khuyến nông khác.

Tại các lớp tập huấn, các chuyên gia Mỹ đã giới thiệu về kiến thức chung, các phương pháp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp đang được áp dụng, mang lại hiệu quả cao trên thế giới; các giảng viên Việt Nam bổ sung kiến thức về tình hình biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Sau khi tham gia khoá tập huấn, học viên đã nâng cao hiểu biết về những kiến thức cơ bản đến giảm thiểu phát thải khí nhà kính nói chung và trong trồng trọt, chăn nuôi nói riêng. 

2. Tham quan học tập

Mô hình canh tác lúa: Dự án đã tổ chức đoàn tham dự hội thảo và tham quan mô hình “Quản lý nước ngập khô xen kẽ và quản lý dinh dưỡng cây lúa” của Dự án “Canh tác lúa giảm khí phát thải tại Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam – Dự án Các-bon thấp” (VLCRP) tại An Giang và Kiên Giang. Thành phần đoàn gồm 16 thành viên là cán bộ TTKNQG và cán bộ khuyến nông các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang và Vĩnh Long. Thông qua tham quan học tập, các đại biểu đã nắm được phương pháp áp dụng mô hình ngập – khô xen kẽ và cách tính liều lượng chính xác phân urê cần dùng để có thể áp dụng trong việc xây dựng các mô hình.

Mô hình chăn nuôi: Dự án đã tổ chức khóa tham quan học tập về kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại trường Đại học Khon Kaen, thành phố Khon Kaen, Thái Lan. Thành phần gồm cán bộ của TTKNQG và cán bộ khuyến nông các tỉnh Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, hoà Bình, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Phú Yên. Được sự hướng dẫn nhiệt tình của giáo sư Metha Wanapat, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển các nguồn thức ăn nhiệt đới (TROFREC), các học viên đã nắm được những kỹ thuật cơ bản: Thực hành về xử lý rơm bằng urê và hydroxit canxi Ca(OH)2; thực hành phối trộn thức ăn hỗn hợp dựa trên nguồn nguyên liệu tại chỗ, cân đối khẩu phần để hấp thu dinh dưỡng triệt để, tiết kiệm và giảm phát thải khí nhà kính; kỹ thuật trồng xen canh và tận dụng phế phụ phẩm của trồng trọt cho chăn nuôi.

Đoàn tham quan học tập về kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại trường Đại học Khon Kaen, thành phố Khon Kaen, Thái Lan

Sau chuyến tham quan học tập, các học viên đã học hỏi, thu thập, trao đổi rất nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng trong các hoạt động, trong các mô hình khuyến nông chăn nuôi gia súc tại địa phương nhằm tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng; giảm phát thải khí nhà kính. Cán bộ khuyến nông các tỉnh đề xuất với địa phương để có thể xây dựng, triển khai áp dụng mô hình tại địa phương.

3. Mô hình canh tác lúa

Dự án đã triển khai mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính với quy mô 20 ha, gồm 127 hộ tham gia tại 2 tỉnh Thái Bình (10 ha/73 hộ) và Cần Thơ (10ha/50 hộ). Mô hình áp dụng phương pháp quản lý nước ngập - khô xen kẽ. Các giai đoạn rút nước: Giai đoạn kết thúc đẻ nhánh rút nước cạn 7 - 10 ngày để rễ lúa ăn sâu, hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, giúp lúa cứng cây, chống lốp đổ; Trước thu hoạch 10 ngày rút cạn nước để thúc đẩy quá trình chín và thuận tiện cho thu hoạch.

Kết quả quan trắc đo phát thải khí nhà kính cho thấy, mô hình tưới ngập - khô xen kẽ đã giảm lượng phát thải khí nhà kính so với mô hình tưới ngập thường xuyên. Với tổng lượng N bón vào mỗi ruộng là 120,6 kg/ha/vụ, lượng N2O bị mất do phát thải của mô hình tưới ngập thường xuyên và mô hình tưới ngập - khô xen kẽ lần lượt là 14,81 và 11,67 (kg/ha/vụ) tương đương với 9,42 và 7,43 kg N/vụ, chiếm 7,82% và 6,16% so với lượng bón ban đầu. Khi so sánh mức độ đóng góp vào sự nóng lên toàn cầu (GWP) cho thấy, mô hình tưới ngập - khô xen kẽ thấp hơn mô hình ngập thường xuyên, tương ứng là 9477,19 kg CO2/vụ và 12760,64 kg CO2/vụ.

So sánh hiệu quả kinh tế trong và ngoài mô hình tại TP. Cần Thơ (tính trên 1ha), tổng chi ở mô hình giảm phát thải khí nhà kính cao hơn ruộng bên ngoài là 312.000 đ/ha. Vì năng suất cao hơn 500 kg/ha nên lợi nhuận thu được trong mô hình tăng lên 2.838.000 đ/ha so với ngoài mô hình (tăng khoảng gần 10%).

4. Mô hình chăn nuôi

Dự án đã xây dựng 02 mô hình tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế. Mỗi mô hình có 02 hộ tham gia, mỗi hộ nuôi 05 - 07 con bò thương phẩm. Kết quả, bò ăn khẩu phần bổ sung thức ăn tinh cân đối và rơm ủ urê, vôi tăng khối lượng cao nhất và lượng CH4 thải ra là thấp nhất (77,81 lít/kg chất hữu cơ). Bò ăn khẩu phần 100% cỏ tăng khối lượng thấp nhất và lượng CH4 thải ra là cao nhất (169,35 lít/kg chất hữu cơ).

5. Hướng dẫn sử dụng phần mềm trong chăn nuôi bò thịt và kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính

Dự án đã tổ chức 2 lớp tập huấn "Hướng dẫn sử dụng phần mềm trong chăn nuôi và kỹ thuật chăn nuôi gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính" với 20 học viên/lớp cho cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông của TTKNLN Thừa Thiên Huế, TTKN Quảng Nam, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh; TP. Hà Nội, Vĩnh Phúc, Sơn La, Nghệ An, thời gian 4 ngày/lớp.


Đa số học viên đã nắm được những kiến thức cơ bản sử dụng phần mềm trong chăn nuôi bò thịt nhằm giảm phát thải khí nhà kính, thành thạo kỹ thuật và các thao tác chế biến thức ăn: ủ rơm bằng urê, vôi; cân đối khẩu phần thức ăn tinh; trồng xen canh cây thức ăn cho đại gia súc nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính; nắm bắt những kỹ thuật cơ bản xử lý chất thải chăn nuôi: ủ sinh học, biogas.

Sau lớp tập huấn, học viên đã khuyến cáo và giúp đỡ bà con nông dân lựa chọn khẩu phần thức ăn chăn nuôi hợp lý. Đặc biệt tận dụng nguồn thức ăn địa phương để phối hợp khẩu phần thức ăn cho bò thịt, hạ giá thành sản phẩm, tận dụng triệt để khả năng tiêu hóa thức ăn của gia súc để vừa tăng hiệu quả chăn nuôi vừa giảm lượng phân thải ra, giảm phát thải khí nhà kính.

6. Hướng dẫn sử dụng phần mềm trong chăn nuôi bò sữa và kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính


Năm 2016, Dự án đã tổ chức 2 lớp tập huấn “Hướng dẫn sử dụng phần mềm trong quản lý, xây dựng khẩu phần thức ăn chăn nuôi bò sữa và kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính“ tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mục tiêu nhằm giúp học viên hiểu biết về kỹ thuật sử dụng phần mềm trong quản lý, xây dựng khẩu phần thức ăn chăn nuôi bò sữa; một số kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc như bổ sung thức ăn tinh trong khẩu phần; xử lý rơm với vôi, urê... Sau khi kết thúc 2 lớp tập huấn, nhiều học viên đề nghị tiếp tục mở thêm các lớp tập huấn tương tự nhưng tăng thời gian thực hành và thu thập số liệu để chạy phần mềm thành thạo hơn.

Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia