Bàn giao 10.000 con gà giống J-Dabaco cho các hộ tham gia mô hình


Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 và số 2, từ ngày 27/7-10/8/2016 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, kèm theo dông lốc, sét đánh, sạt lở đất và lũ quét gây thiệt hại lớn về người, tài sản và sản xuất tập trung tại các Bát Xát, Sa Pa, thành phố Lào Cai. Toàn Huyện Bát Xát  có 5 xã thiệt hại về nông nghiệp là xã Quang Kim, Cốc San, Phìn Ngan, Mường Vi và Bản Qua.

Trong đó, xã Quang Kim và Cốc San là 2 xã thuần nông của huyện vùng cao Bát Xát, nằm trong tâm vùng hoàn lưu bão nên bị ảnh hưởng nặng nề về sản xuất nông nghiệp. Có 29,2 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị mất trắng; 133,2 ha diện tích đất lúa (đã bị đất, cát, đá san phẳng và vùi lấp sâu) phải chuyển đổi sang trồng cây trồng khác…, đời sống của nhân dân rất khó khăn.

Để hỗ trợ bà con vùng lũ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi gà thịt và nuôi cá tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai” nhằm xây dựng mô hình trình diễn khuyến nông giúp nông dân ở 2 xã Quang Kim và Cốc San huyện Bát Xát khôi phục sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mô hình sẽ triển khai hỗ trợ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi gà thịt thả vườn với quy mô 10.000 con với 50 hộ tham gia và mô hình nuôi cá rô phi đơn tính và nuôi cá chép lai V1 với quy mô 4ha mặt nước với 40 hộ tham gia.

Các hộ tham gia mô hình nhận bàn giao cá giống


Ngày 17/9/2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai tiến hành bàn giao gà giống và cá giống cho các hộ tham gia mô hình. Tham gia lễ bàn giao có TS. Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai cùng Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, Chủ tịch UBND xã Quang Kim và Cốc San và các hộ tham gia mô hình. Tổng số gà cấp phát 10.000 con gà J-Dabaco đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn loại I, cá rô phi đơn tính và chép lai V1 cho 4 ha ao nuôi.

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, các hộ đã chuẩn bị đầy đủ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, vệ sinh làm sạch ao nuôi để có thể tiếp nhận ngay các tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ của mô hình. Các hộ dân cũng cam kết việc nhận được hỗ trợ giống và kỹ thuật không chỉ để giải quyết tình thế trước mắt mà sẽ sản xuất bền vững và tận dụng cơ hội và nhân rộng mô hình tại huyện miền núi như Bát Xát góp phần phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu sản xuất chuyển dần từ sản xuất mang tính tự cung tự cấp sang hình thức sản xuất hàng hóa.

Nguyễn Duy Điều

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia