PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu chủ trì Hội thảo cùng sự tham gia của các đại biểu đến từ các Viện, Sở Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và hơn 80 nông dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Tôm sú (Penaeus monodon) hiện đang là đối tượng nuôi quan trọng của nghề nuôi trồng thủy sản ven bờ. Phong trào nuôi tôm sú diễn ra mạnh mẽ ở các tỉnh trên khắp đất nước từ Bắc vào Nam, chủ yếu miền Trung và miền Nam đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân địa phương. Thế nhưng, thời gian gần đây môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm nặng, dịch bệnh liên tiếp xảy ra đã làm không ít hộ nuôi điêu đứng phải bỏ ao không hoặc chuyển qua nuôi trồng các đối tượng thủy sản khác.

Nhằm giải quyết vấn đề môi trường và dịch bệnh, ngoài các giải pháp như quy hoạch vùng nuôi, hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi và các biện pháp nâng cao chất lượng giống,… thì việc xác định hình thức nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển là biện pháp tối ưu làm giảm nguy cơ suy thoái môi trường và hạn chế dịch bệnh. Hải sâm và rong biển sử dụng nguồn thức ăn dư thừa của tôm và các chất hữu cơ dưới đáy ao. Bởi vậy khi nuôi kết rất hữu ích trong việc làm sạch môi trường nước trong ao nuôi, nâng cao hiệu suất sử dụng mặt nước, giảm chi phí sản xuất cho việc xử lý ao, tăng tổng năng suất thu hoạch của một vụ nuôi và làm tăng thu nhập cho bà con nuôi trồng thủy sản.

Kết luận Hội thảo, ông Kim văn Tiêu khẳng định, mô hình là một trong những hoạt động nhằm hướng tới một nghề nuôi trồng thủy sản bền vững, ít ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo việc sản xuất liên tục và ổn định, có thể cung cấp một lượng lớn sản phẩm cho nhu cầu ngày càng cao của con người. Vì vậy việc nhân rộng mô hình là rất cần thiết.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu và nông dân đã tham quan mô hình nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển tại thôn Phương Cựu, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận./.

Nguyễn Thị Cơ

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận