Tham gia hội nghị có lãnh đạo Trung tâm KNQG, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Tổng cục Lâm nghiệp, trung tâm khuyến nông các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình cùng đông đảo bà con nhân dân trong tỉnh Hòa Bình.

Trong những năm qua diện tích rừng trồng của các tỉnh miền Bắc và miền Trung tăng lên đáng kể. Người dân chủ yếu trồng rừng chu kỳ kinh doanh ngắn từ 5- 8 năm (có nơi 4 tuổi đã khai thác), cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ... Số mô hình trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn ở một số tỉnh còn rất ít. Do vậy sản lượng khai thác cũng không cao, trung bình từ 70 - 150m3/ha. Công tác giống trong lâm nghiệp còn chưa được quan tâm, giống đưa vào sản xuất là giống nhân bằng hạt nên đã ảnh hưởng rất lớn chất lượng rừng. Việc áp dụng chưa đồng bộ các kỹ thuật trồng rừng, vẫn còn hộ trồng rừng theo phương thức quảng canh, trồng rừng theo phong trào chưa xác định rõ mục đích kinh doanh thói quen và nhận thức của nhiều hộ nông dân đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng, sử dụng nguồn giống không rõ xuất xứ, không đảm bảo yêu cầu về mặt chất lượng, cơ cấu loài cây nhiều nơi chưa phù hợp. Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất chưa được đẩy mạnh. Từ đó dẫn đến  đến việc chưa khai thác được thế mạnh đất lâm nghiệp tại địa phương, thu nhập cho người dân trong sản xuất lâm nghiệp còn thấp chưa xứng với công sức và vốn đầu tư của người dân.

Các đại biểu tham quan mô hình trông keo lai tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, Hòa Bình

Thực hiện Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tăng giá trị sản phẩm lâm nghiệp, trong đó thực hiện áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong phát triển cây gỗ lớn là giải pháp kỹ thuật được áp dụng để người dân nhìn nhận và thay đổi nhận thức về kỹ thuật trồng rừng kinh doanh. Vì vậy Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt dự án “Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh”.

Dự án với mục tiêu xây dựng và chuyển giao đồng bộ về kỹ thuật, giống, quy trình, chăm sóc các giống: mỡ, bạch đàn lai (UP54, UP99), keo lai (BV10, BV16, BV32) được công nhận và kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn nhằm tăng năng suất lên 20% so với các giống đại trà và tăng thu nhập cho người trồng rừng sau 12 – 15 năm.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo của tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa là hai tỉnh đang thực hiện trồng giống keo lai (BV10, BV16 và BV32). Qua thực hiện dự án cho thấy các giống cây này rất phù hợp với đất đai và khí hậu của địa phương. Cây phát triển tốt, bộ rễ phát triển, không bị cụt ngọn, không bị sâu bệnh, cây sinh trưởng mạnh gấp 1,5 – 2 lần giống keo cũ tại địa phương. Tham quan thực tế đồi keo lai tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, các đại biểu cùng bà con nông dân thấy được hiệu quả của dự án như đường kính cây, chiều cao cây lớn nhanh vượt trội, cây không bị sâu bệnh...

Bên cạnh những bản báo cáo của các tỉnh, hội nghị còn được nghe nhiều ý kiến của nông dân về các vấn đề liên quan đến giống, phân bón, kỹ thuật canh tác...

Ông Trần Văn Khởi – Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, trong 2 năm (2016 – 2017), dự án thực hiện tại 10 tỉnh đã trồng được 650 ha rừng gỗ lớn (trong đó: 144 ha cây mỡ, 182 ha bạch đàn lai, 324 ha keo lai), tập huấn cho 976 lượt người trong và ngoài mô hình, xây dựng được 34 pano quảng bá mô hình. Thời gian tới các địa phương cần nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn hơn nữa để tạo nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản; Tổ tham quan chéo để nông dân có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh đã làm.

Ông Trần Văn Khởi – Quyền Giám đốc TTKNQG phát biểu tại hội nghị

Đình Thủy

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình