Toàn cảnh Hội nghị

Dự án được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt thực hiện từ năm 2015 đến 2017 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì. Mục tiêu của dự án là: Xây dựng và phát triển mô hình liên kết giữa các nông dân trong nhóm hộ và nhóm nông hộ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 của một số giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao nhằm nâng diện tích sử dụng hạt giống xác nhận trong sản xuất đại trà; Nâng cao kỹ năng sản xuất hạt giống, nhận thức về sử dụng giống lúa xác nhận. Mô hình có khả năng chuyển giao và nhân rộng ra sản xuất.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với 06 đơn vị (những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống cây trồng) để thực hiện xây dựng mô hình tại 06 tỉnh miền Trung: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Qua 2 năm, dự án đã tổ chức xây dựng 13 tổ, nhóm liên kết sản xuất, tiêu thụ giống, với tổng diện tích 523,5 ha (đạt 65,4% kế hoạch 3 năm) bao gồm các giống: Thiên ưu 8, BC15, TBR-1, TBR225, HT1, BT7, OM4900, ML48, ĐV108, VN121. Đây là những giống ngắn ngày, chất lượng cao phù hợp với sản xuất của các tỉnh miền Trung, có khả năng né tránh thiên tai khắc nghiệt của miền Trung. Với năng suất đạt từ 5,2 – 8,0 tấn/ha (tùy từng giống), tổng sản lượng giống xác nhận 1 của dự án đạt 3.190 tấn. Các đơn vị đã thu mua, chế biến và tiêu thụ phục vụ cho sản xuất lúa của các tỉnh miền Trung 2.663 tấn, chiếm 83,5% tổng sản lượng giống đã sản xuất ra. Lượng giống trên đã đáp ứng một phần nhu cầu về giống của các địa phương, tăng nhanh diện tích được sử dụng hạt giống xác nhận.

Giám đốc Công ty CP giống cây trồng – vật nuôi Thừa Thiên Huế và chủ nhiệm dự án kiểm tra mô hình tại xã Thủy Tân – huyện Hương Thủy

Để thực hiện liên kết hiệu quả, các nhóm hộ đã xây dựng quy chế hoạt động, quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người dân, nhóm nông hộ (hợp tác xã) và doanh nghiệp. Các bên tham gia đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, chủng loại giống, quy mô diện tích và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hạt giống, tạo mọi điều kiện hỗ trợ giống và ứng trước kinh phí để nông dân mua sắm vật tư phân bón để sản xuất, cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, chỉ đạo kỹ thuật, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình sản xuất, tổ chức kiểm định, một số đơn vị đã hỗ trợ nông dân thu hoạch giống giảm bớt khó khăn cho nông dân, thu mua toàn bộ giống đã sản xuất theo hợp đồng đã ký. Các hộ dân góp ruộng đất, công lao động, kinh phí đối ứng (70% về phân bón, thuốc BVTV), tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất theo chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật, thu hoạch và bán toàn bộ sản phẩm hạt giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cho doanh nghiệp. Qua 2 năm thực hiện, dự án đã xây dựng thành công 13 tổ nhóm liên kết hoạt động có hiệu quả.

Với cơ chế thu mua đã thỏa thuận: 1 kg hạt giống xác nhận bằng 1,25 – 1,30 kg thóc thương phẩm cùng chủng loại đã góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất giống từ 9 – 15 triệu đồng/ha, tương đương tăng từ 25-30% thu nhập so với sản xuất lúa đại trà. Điều này đã được các HTXNN tham gia mô hình khẳng định trong các tham luận của đơn vị.

Song song với việc tổ chức các nhóm hộ, việc áp dụng tốt, đồng bộ các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chí của dự án là chìa khóa để thực hiện thành công và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho người dân trực tiếp tham gia, hưởng lợi. Các điểm đều thực hiện tốt và đồng bộ các khâu: Quy hoạch đồng ruộng; Bố trí thời vụ hợp lý; Tuân thủ đúng quy trình sản xuất nhân giống cấp xác nhận 1 (mật độ, tỉa dặm, kiểm tra đồng ruộng, khử lẫn, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch…). Đặc biệt trong quy trình sản xuất coi trọng khâu khử lẫn, kiểm định đồng ruộng và thu hoạch. Việc khử lẫn đã thực hiện nghiêm túc 4 thời kỳ (thì con gái, kỳ lúa căng the, khi lúa trỗ xong và kỳ đỏ đuôi): cán bộ kỹ thuật đã tập huấn, hướng dẫn trực tiếp và cùng với người dân tổ chức khử lẫn. Ruộng lúa sau khi hoàn tất khâu khử lẫn sẽ được đơn vị chuyên ngành tổ chức kiểm định đồng ruộng toàn bộ diện tích sản xuất giống xác nhận 1 (đảm bảo các tiêu chuẩn về độ thuần đồng ruộng, sạch cỏ dại, sâu bệnh…) trước khi tổ chức thu hoạch. Đồng thời trong khâu thu hoạch, các điểm thực hiện đều hướng dẫn các hộ sản xuất gặt tập trung, chuẩn bị máy tuốt lúa riêng, phơi sấy thực hiện riêng, đảm bảo không để lẫn cơ giới với giống khác. Tại một số điểm, đơn vị thu mua đã chủ động thu mua thóc tươi tại ruộng về phơi sấy, chế biến.

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất giống Hương thơm số 1 vụ hè thu 2016 tại xã Thủy Tân – huyện Hương Thủy

Ngoài các hoạt động xây dựng mô hình, trong 2 năm qua, dự án đã tổ chức 12 lớp tập huấn kỹ thuật cho các cán bộ khuyến nông cơ sở, cộng tác viên khuyến nông, nông dân sản xuất lúa của các xã quanh vùng thực hiện mô hình (tổng số 480 lượt người tham dự) với nội dung về: quy trình sản xuất giống lúa xác nhận 1; kỹ thuật sản xuất và thâm canh một số giống lúa ngắn ngày, chất lượng; giảm lượng giống gieo sạ và sử dụng giống lúa có phẩm cấp trong sản xuất đại trà; phương pháp tổ chức xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hạt giống. Ngoài ra, các hội nghị, hội thảo đầu bờ cũng đã được tổ chức tại điểm thực hiện mô hình vào thời điểm trước khi thu hoạch nhằm tuyên truyền, quảng bá để người dân đến tham quan, học tập nhằm nhân rộng mô hình.

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả và hiệu quả của dự án. Bên cạnh hiệu quả kinh tế rõ rệt, dự án đã mang lại hiệu quả xã hội rất lớn, đó là góp phần đưa nhanh bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao, thích hợp vào cơ cấu sản xuất tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Thông qua mô hình, người nông dân được bồi dưỡng kỹ năng sản xuất giống lúa xác nhận 1, giúp các địa phương tăng cường sản xuất giống tại chỗ góp phần hạ giá thành sản phẩm hạt giống, tạo điều kiện để người sản xuất có thể tiếp cận được với hạt giống tốt. Đồng thời với thành công của phương thức tổ chức nhóm hộ sản xuất tập trung là kinh nghiệm, tiền đề để tiến tới hình thành các HTX, tổ đội chuyên sản xuất giống phục vụ cho nhu cầu sản xuất lúa của địa phương và vùng lân cận.

Hội nghị cũng đã đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của chính quyền địa phương các cấp và kiến nghị các tỉnh cần quan tâm hơn nữa và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ giống lúa tại địa phương./.

Chủ nhiệm dự án Hà Văn Biên báo cáo kết quả dự án tại Hội nghị

                                                                                   Vũ Thị Thủy

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia