Năm 2001, giống ngao Bến Tre được đưa vào nuôi ở Thanh Hóa. Ngao Bến Tre có khả năng thích nghi với độ mặn thấp, sinh trưởng và phát triển nhanh, là đối tượng nuôi xuất khẩu, thị trường tiêu thụ ổn định.

Đến nay toàn tỉnh có 1310 ha nuôi ngao Bến Tre. Sản lượng năm 2015 ước đạt trên 7.500 tấn/năm, giá trị hàng trăm tỷ đồng. Ngao Bến Tre đã trở thành đối tượng nuôi chủ lực ở vùng triều Thanh Hóa góp phần cải thiện thu nhập, làm giàu cho bộ phận cư dân ven biển Thanh Hóa.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến nghề nuôi ngao Bến Tre trong tỉnh là nguồn ngao giống hậu bị phụ thuộc vào các tỉnh Thái Bình, Nam Định... Trong khi đó, công nghệ ương nuôi ngao giống của Thanh Hóa chưa ổn định, còn nhiều hạn chế, và gặp rủi ro trong quá trình ương lên giống cấp II, tỷ lệ sống thấp...

Xuất phát từ thực trạng đó, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất ngao giống”, trong đó Thanh Hoá là một trong các tỉnh được chọn tham gia thực hiện mô hình ương trực tiếp ngao giống cấp I lên  cấp II. Mục tiêu tiêu của mô hình cung cấp nguồn giống tại chỗ cho bà con, nâng cao chất lượng con giống, giảm giá thành sản phẩm, tập trung phát triển nghề nuôi ngao thương phẩm với quy mô lớn tạo khả năng sản xuất hàng hóa cho tỉnh và phát triển kinh tế ngành; Chuyển đổi một số diện tích nuôi tôm sú, tôm chân trắng kém hiệu quả sang ương ngao giống để nâng cao thu nhập, cải tạo môi trường nuôi, cân bằng hệ sinh thái trong vùng nuôi nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

 Mô hình được triển khai tại 6 hộ ở 02 điểm xã Đa Lộc và xã Minh Lộc với quy mô  2500 m2/điểm; mật độ ương 50.000 con/m2 (ngao cỡ 0,5mm/con). Những hộ tham gia mô hình là hộ sản xuất tiêu biểu tại địa phương, có uy tín trong cộng đồng, có tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có khu vực nuôi thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Các hộ đều được tập huấn kỹ thuật ương.

Sau 8 tháng triển khai mô hình, tỷ lệ sống từ giai đọan ương ngao cấp I lên cấp II đạt 51.5%. Tổng số ngao cấp II thu được tại 2 điểm là: 128,8 triệu con cỡ 0,8-1cm/con (theo yêu cầu là 125 triệu con). Tỷ lệ sống của ngao nuôi trong mô hình cao hơn so với các hộ ương ngoài bãi triều từ 30-40%.

Số lượng và chất lượng con giống đảm bảo đưa vào nuôi thương phẩm.

Chất lượng giống được thả có kích cỡ đồng đều; đúng mùa vụ. Quá trình ương trong ao nên kiểm soát được các yếu tố môi trường do thời tiết như: nắng nóng kéo dài, ngọt hóa, bão lụt.

Việc thực hiện mô hình giúp giảm giá thành con giống so với các hộ sản xuất đại trà từ 20-25%. Thời gian ương đạt kích cỡ ngao giống cấp II (cỡ 0,8-1cm/con) ngắn hơn so với các hộ sản xuất đại trà từ 1-1,5 tháng.

Hạch toán hiệu quả kinh tế thấy, các hộ thu lãi được 531 triệu đồng (thu nhập của từng hộ đạt từ 70-102 triệu đồng).

Thành công của mô hình là động lực thúc đẩy nghề nuôi ngao Bến Tre ở vùng ven biển tỉnh Thanh Hoá nói riêng và miền Trung nói chung, góp phần tăng trưởng kinh tế trong vùng.

Hoàng Thị Thu Hằng

Trung Tâm Khuyến nông Thanh Hóa