Toàn cảnh hội thảo

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả thực hiện của 24 mô hình nuôi tôm bán thâm canh đảm bảo an toàn thực phẩm và kết quả nuôi thực nghiệm ở 10 tỉnh/thành trên cả nước (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau). Với thời gian nuôi từ 145- 147 ngày, cỡ tôm đạt 35-40 con/kg, tỷ lệ sống trên 60%, hệ số thức ăn 1,44, năng suất trung bình từ 1,56 tấn/ha vùng hạ triều và 2,4 tấn/ha vùng trung và cao triều. Các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt và vượt mục tiêu dự án đề ra; năng suất vượt 1,5 lần mục tiêu dự án, lợi nhuận cao hơn phương pháp nuôi truyền thống trên 30%.

Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu cùng nhau thảo luận và phân tích những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng nuôi tôm thâm canh theo hướng an toàn thực phẩm. Từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp để giúp mô hình này tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới, hướng đến xây dựng vùng chuyên canh tôm an toàn, thân thiện với môi trường, gắn kết giữa người nuôi tôm và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm.

Ông Kim Văn Tiêu - PGĐ TTKNQG phát biểu tại hội thảo

Kết thúc buổi hội thảo, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: Khả năng nhân rộng mô hình tại các tỉnh tham gia dự án là rất lớn. Tuy nhiên để áp dụng thành công, người nuôi cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong cá khâu chuẩn bị ao nuôi, chọn giống, tuân thủ lịch thời vụ, chăm sóc, quản lý , phòng ngừa dịch bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học, không dùng kháng sinh, hóa chất, đảm bảo vệ sinh môi trường, ghi chép, lưu giữ đầy đủ các thông tin trong suốt quá trình nuôi.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham quan thực tế mô hình nuôi tôm bán thâm canh đảm bảo an toàn thực phẩm tại hộ ông Trần Minh Chánh và ông Tô Thanh Thảo ở thành phố Bạc Liêu. Đại biểu cũng thăm khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHHMTV Long Mạnh tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Ngọc Oanh

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu