Ông Nguyễn Hồng Tuấn - GĐ Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm Học liệu (Đại học Thái Nguyên); đại diện các đơn vị phối hợp triển khai và nông dân tham gia mô hình thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, cùng đông đảo người nuôi ong tại tỉnh Hòa Bình.

Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền trung Tây Nguyên” được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì thực hiện trong 3 năm 2016 - 2018 với mục tiêu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi ong mật, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mật ong, tăng thu nhập cho nông dân, thông qua đó thúc đẩy nghề nuôi ong phát triển bền vững.

Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với các đơn vị tại địa phương triển khai mô hình tại 4 tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Lào Cai và Nghệ An với quy mô 800 đàn ong trong đó 600 đàn ong nội và 200 đàn ong ngoại, gồm 40 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống (20 thùng ong/hộ) và 50% thức ăn bổ sung (đường) theo yêu cầu 2 kg/đàn; được tập huấn về kỹ thuật nuôi ong theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi ong an toàn, kỹ thuật khai thác mật, kỹ thuật tạo chúa chia đàn, biện pháp phòng trị bệnh trên đàn ong, quản lý ong theo mùa vụ… Kết quả bước đầu cho thấy, đàn ong phát triển tốt, các hộ đã tiến hành khai thác mật.

Ông Hoàng Văn Định - Chủ nhiệm dự án, cho biết: Trong năm 2016, các đơn vị triển khai chủ yếu cấp giống vào giai đoạn 6 tháng cuối năm, các hộ tập trung vào duy trì đàn để chuẩn bị cho mùa khai thác chính đông xuân của năm sau. Do đó, trữ lượng mật khai thác năm 2016 chưa nhiều, tuy nhiên ước tính theo tình trạng đàn hiện có thì năng suất mật khai thác dự kiến đạt trên 21,33 kg/đàn đối với ong nội, trên 48 kg/đàn đối với ong ngoại.

Tham quan mô hình nuôi ong mật chất lượng cao tại hộ ông Lê Duy Lợi, xã Trung Minh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

Tại hội thảo, các đại biểu đã đi tham quan mô hình nuôi ong mật chất lượng cao tại hộ ông Lê Duy Lợi (xã Trung Minh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Ông Lợi cho biết: Từ năm 2014, gia đình ông bắt đầu nuôi ong với quy mô vài chục thùng. Do chưa có kỹ thuật, chỉ nuôi theo kinh nghiệm nên sản lượng mật thấp, chất lượng mật không đồng đều, ong thường bị dịch bệnh. Sau khi được tham gia dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ”, ông được hỗ trợ 20 thùng ong giống, đồng thời được tập huấn kỹ thuật nuôi ong nên đàn ong phát triển tốt, năng suất mật tăng, chất lượng mật cao. Hiện tại, ông đã nhân đàn lên tổng số 70 thùng, đàn ong khỏe mạnh, thế đàn tốt. Thời gian tới, ông sẽ tiếp tục mở rộng tăng đàn lên 100 thùng ong và bán giống cho bà con có nhu cầu.

Để xây dựng được mô hình nuôi ong mật hiệu quả tại địa phương làm cơ sở mở rộng dự án, các đơn vị triển khai cần làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi ong mật để tăng quy mô đàn, nâng cao năng suất, chất lượng mật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin truyên truyền để người nuôi ong nắm được các quy định về công tác kiểm dịch đàn ong, sản phẩm ong và vệ sinh an toàn đối với các sảm phẩm ong mật, đồng thời để người dân hiểu được vai trò của ong mật đối với cây trồng. Cần thành lập các tổ, nhóm hoặc các câu lạc bộ nuôi ong để người nuôi ong trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong quá trình nuôi (chi sẻ thông tin, hỗ trợ tạo chúa nhân đàn,…), đồng thời tạo ra sản phẩm hàng hóa (sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng) góp phần quyết định sự phát triển của nghề nuôi ong. Các địa phương cần hỗ trợ tổ chức quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu để nâng cao thu nhập cho người nuôi ong. Ngoài ra, các hộ nông dân cần từng bước thực hiện nuôi ong theo VietGAHP, tuân thủ quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng mật, an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện ghi chép sổ sách trong quá trình nuôi và khai thác mật…

Theo số liệu thống kê, năm 2014 ước tính nước ta có khoảng trên 1,5 triệu đàn ong, thu được khoảng 60.000 tấn mật và xuất khẩu được khoảng 53.000 tấn. Số người nuôi ong khoảng 34.000 người, trong đó số người nuôi ong chuyên nghiệp khoảng 6.350 người, chiếm 18,67%. Xuất khẩu mật ong Việt Nam đứng hàng thứ 6 trên thế giới và đứng thứ 2 châu Á sau Trung Quốc.

 

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia