TS. Trần Văn Khởi - Q.GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu chỉ đạo tại buổi hội thảo

 

Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm Học liệu - ĐH Thái Nguyên; Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Cao Bằng cùng đông đảo nông dân trồng mía tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp cho cây mía phục vụ chế biến đường công nghiệp” được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì triển khai thực hiện từ năm 2014 - 2016. Mục tiêu của dự án là chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất mía: sử dụng giống mía mới có năng suất, chữ đường cao; chống chịu tốt với một số loài sâu bệnh hại mía phổ biến, kết hợp các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp (làm đất, bón phân, tưới nước, quản lý dịch hại tổng hợp…) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất mía, tăng thu nhập cho người nông dân.

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình báo cáo kết quả thực hiện dự án trong 3 năm 2014 - 2016

 

Trong 3 năm, Dự án được triển khai tại 9 tỉnh (Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên và Gia Lai) với quy mô 380ha (58 điểm mô hình, 975 hộ tham gia), trong đó 360 ha mô hình trồng thâm canh và 20 ha mô hình tưới mía. Các mô hình trồng thâm canh gắn liền với vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến đường. Các giống mía được sử dụng trong mô hình là các giống có tiềm năng năng suất, thích ứng với vùng sản xuất nguyên liệu cho chế biến đường công nghiệp và được địa phương, nhà máy chế biến đường đưa vào cơ cấu giống vùng nguyên liệu. Bộ giống mía sử dụng tại các tỉnh miền núi phía Bắc gồm: ROC 22, ROC23; tại các tỉnh Bắc Trung Bộ sử dụng các giống: ROC22, các giống Quế đường QĐ11, QĐ93-159, QĐ94-119, My5514; các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên sử dụng các giống: K83-29, KK3, K95-84, K88-92, LK92-11.

Đi đôi với việc lựa chọn bộ giống có tiềm năng, chịu thâm canh, mô hình trồng thâm canh mía đã áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật từ khâu thời vụ, làm đất, mật độ trồng, bón phân, chăm sóc theo quy trình thâm canh: làm đất bằng máy và xử lý đất bằng vôi bột; bón phân đầy đủ, cân đối NPK và đảm bảo mía được bón lót phân hữu cơ; kết hợp bón phân thúc với làm cỏ, xới vun gốc; khoảng cách trồng đảm bảo mật độ từ 100.000 - 120.000 cây/ha (trồng hàng đơn hoặc hàng kép); áp dụng biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp; thu hoạch đúng thời điểm cây mía đạt chữ đường cao nhất…

Các đại biểu tham quan mô hình thâm canh mía tại xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, Hòa Bình

 

Bà Vũ Thị Thủy - Chủ nhiệm dự án cho biết: Bên cạnh đầu tư và áp dụng thâm canh, thì vấn đề tưới bổ sung nước cho cây mía trong giai đoạn không có mưa, đáp ứng nhu cầu về nước tối thiểu của cây mía trong giai đoạn nảy mầm, đẻ nhánh và vươn lóng là yếu tốt rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng mía, đặc biệt đối với mía công nghiệp. Tuy nhiên, với hiện trạng các vùng sản xuất mía hiện nay, đa phần diện tích sản xuất mía không có điều kiện tưới hoặc khó khăn trong việc đầu tư… Giải quyết bài toán về tưới nước và áp dụng thâm canh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chủ nhiệm dự án đã chủ động hướng dẫn địa phương, các đơn vị tham gia triển khai thực hiện ngay từ khâu chọn điểm, chọn hộ phải chú ý lựa chọn các vùng sản xuất có nguồn nước, người dân có điều kiện, cam kết thực hiện tối đa trong khả năng cho phép để áp dụng, thực hiện việc tưới và bổ sung tưới nước cho mía. Đồng thời, căn cứ vào đặc điểm, tình hình khí hậu, thời tiết của địa phương mà xây dựng quy trình, xác định thời điểm cây mía cần tưới bổ sung.

Năm 2015, dự án đã tổ chức xây dựng 4 mô hình trồng thâm canh mía đường công nghiệp có tưới tại 4 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An quy mô 5 ha/mô hình/tỉnh. Kết quả cho thấy tất cả các biện pháp tưới áp dụng ở 4 mô hình kết hợp với thâm canh mía đều đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình là mô hình áp dụng phương pháp tưới rãnh thực hiện trên vụ mía lưu gốc năm thứ nhất tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho hiệu quả kinh tế tăng 67,7% so với đại trà không thực hiện phương pháp tưới.

Theo báo cáo đánh giá kết quả dự án, các ruộng mía trong mô hình trồng thâm canh đều có sự nổi trội hơn nhiều so với các ruộng mía đại trà ở hầu hết các giai đoạn sinh trưởng (nảy mầm, đẻ nhánh, vươn lóng, tích lũy đường). Ruộng mía trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, mật độ đảm bảo, sạch cỏ dại, sâu bệnh, ít đổ ngã, năng suất mía bình quân đạt 90,6 tấn/ha (năng suất mía bình quân cả nước năm 2014 đạt 65,3 tấn/ha). Chất lượng mía trong mô hình đảm bảo, chữ đường tại thời điểm thu hoạch đạt 11 - 12% nên nông dân bán được giá cao hơn so với diện tích sản xuất đại trà. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 30,9 - 100,2% so với diện tích sản xuất ngoài mô hình.

Mô hình trồng thâm canh mía (giống ROC22) năm 2016 tại xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, Hòa Bình

 

Kết luận buổi hội thảo, TS. Trần Văn Khởi - Q.Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá dự án đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra về qui mô và các chỉ tiêu kỹ thuật. Từ kết quả của dự án cho thấy áp dụng những kỹ thuật thâm canh tổng hợp cho cây mía đường công nghiệp đã nâng cao năng suất, chữ đường từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Kết quả này góp phần tuyên truyền vận động nông dân thay đổi kỹ thuật sản xuất mía kém hiệu quả sang trồng thâm canh tổng hợp ngay từ đầu vụ sản xuất, đồng thời là cơ sở để đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất mía góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng mía, để hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia