Để kiểm soát hiệu quả bệnh khảm lá sắn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh trồng sắn nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể sau:

I. Các đơn vị thuộc Bộ

a) Cục Trồng trọt

- Kiểm soát các giống sắn nhiễm bệnh nặng; chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp canh tác để phòng, chống bệnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn cho địa phương quản lý nhà nước trong việc mua bán giống sắn và giống sắn bị bệnh, hoàn thành trong tháng 2/2019.

- Xây dựng, ban hành hướng dẫn các địa phương xây dựng và thực hiện vùng sản xuất giống sạch bệnh; hướng dẫn nông dân tự để giống sạch bệnh, hoàn thành trong tháng 2/2019.

- Nghiên cứu, báo cáo chính sách hỗ trợ giống ngô, rau màu cho nông dân để điều chỉnh thời vụ trồng sắn tại tỉnh Tây Ninh, hoàn thành trong quý I/2019.

b) Cục Bảo vệ thực vật

- Bám sát, hỗ trợ các địa phương chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá sắn.

- Kiểm tra, tổng hợp các kết quả nghiên cứu, kết quả chỉ đạo để tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh.

- Bổ sung, cập nhật mới quy trình phòng chống bệnh khi có biện pháp mới hiệu quả.

- Tổng hợp các đề xuất bổ sung máy móc, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và chỉ đạo phòng chống bệnh báo cáo Bộ trong tháng 2/2019.

- Tổng họp, báo cáo tình hình bệnh khảm lá sắn và kết quả thực hiện của các thành viên Tổ Chỉ đạo về Bộ.

c) Trung tâm Khuyển nông Quốc gia

- Hướng dẫn biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn trên chương trình truyền hình, trên báo và các hệ thống khuyến nông.

- In sổ tay, tờ rơi, poster và các tài liệu thông tin tuyên truyền.

- Biên tập clip ngắn 10-15 phút hướng dẫn phòng, chống bệnh khảm lá sắn để các địa phương sử dụng phát trên đài truyền hình địa phương và sử dụng làm nội dung tuyên truyền, tập huấn (hoàn thành trong tháng 02/2019).

d) Các cơ quan nghiên cứu

- Viện Bảo vệ thực vật: phối hợp Viện Di truyền Nông nghiệp và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất nghiên cứu dịch tễ học của bệnh khảm lá sắn, đặc điểm sinh thái học, quy luật phát sinh phát triển của bọ phấn trắng và biện pháp phòng chống, hoàn thành trong tháng 01/2019.

- Viện Di truyền nông nghiệp: Đề xuất, tổ chức nghiên cứu chọn tạo giống sắn kháng bệnh; chủ động tiếp nhận hệ thống thủy canh của CIAT để nhân nhanh giống đã được nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô.

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam: phối hợp các tổ chức quốc tế như JICA, CIAT, Thái Lan, ... nghiên cứu, sản xuất KIT thử nhanh virus gây bệnh khảm lá sắn và chuyển giao để sản xuất, cung cấp cho các địa phương sử dụng; nghiên cứu, cung ứng mồi PCR hoặc kháng huyết thanh ELISA cho các Trung tâm BVTV vùng giám định virus khảm lá sắn cho các địa phương.

- Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc: Tiếp tục thực hiện các mô hình trồng sắn giống sạch bệnh; xây dựng dự thảo quy trình trồng sắn sạch bệnh và hướng dẫn nông dân để giống sạch bệnh gửi Tổ Chỉ đạo, hoàn thành trong tháng 01/2019.

e) Các Vụ thuộc Bộ

- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu, khuyến nông thuộc Bộ đăng ký, thẩm định, trình phê duyệt sớm và tổ chức triển khai nghiên cứu giống sắn kháng bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn, thông tin tuyên truyền (hoàn thành trong quý I/2019).

- Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch: Xây dựng kế hoạch và nguồn vốn ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, chỉ đạo và thông tin tuyên truyền phòng, chống bệnh khảm lá sắn.

2. Ở địa phương

a) UBND các tỉnh trồng sắn đã bị nhiễm bệnh

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện quyết liệt tổ chức tiêu hủy nguồn bệnh, phòng trừ bọ phấn trắng truyền bệnh; ngăn chặn bệnh lây lan qua mua bán, sử dụng hom giống bệnh; hướng dẫn nông dân chọn giống sạch bệnh và cách để giống không nhiễm bệnh khảm lá sắn.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh

- Khẩn trương tổ chức thông tin, tuyên truyền cho người dân biết các biện pháp phòng, chống bệnh để thực hiện theo chỉ đạo, đặc biệt là hướng dẫn cho nông dân, thương lái mua bán giống sắn biết cách loại bỏ cây bệnh.

- Chỉ đạo sử dụng giống KM 94 ít nhiễm bệnh nhất và tổ chức nhân nhanh giống; hướng dẫn áp dụng biện pháp phun thuốc diệt bọ phấn là môi giới truyền bệnh; chỉ đạo điều chỉnh giảm mùa vụ sắn, chỉ trồng 2 vụ/năm và xuống giống đồng loạt tránh lây nhiễm chéo (đề xuất hỗ trợ giống ngô, rau nếu cần thiết).

- Giám sát chặt chẽ diện tích sản xuất giống sạch bệnh, tổ chức kiểm tra

đảm bảo nguồn giống sạch bệnh khi trồng, phun trừ bọ phấn, tiêu hủy cây nhiễm

bệnh nếu có và kiểm tra virus khi thu hoạch giống. Giao Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh chủ trì, phối hợp với Trung tâm Hưng Lộc và Cục BVTV khẩn trương xây dựng quy trình sản xuất giống sạch bệnh, hoàn thành trong tháng 1/2019 để phổ biến nhân rộng.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh trồng sắn đã nhiễm bệnh

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn để hướng dẫn nông dân phát hiện và chủ động thực hiện các biện pháp kỹ thuật quản lý bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tăng cường kiểm tra, rà soát phát hiện sớm và chỉ đạo phòng chống, kịp thời tiêu hủy nguồn bệnh, phun trừ bọ phấn, sản xuất giống sạch bệnh.

- Kiểm soát chặt chẽ nguồn giống sắn trên địa bàn, nhất là các vùng đã xác định có bệnh khảm lá virus. Tuyệt đối không sử dụng giống sắn nhiễm bệnh để trồng sản xuất.

- Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sắn kêu gọi hỗ trợ nông dân thông qua liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, an toàn dịch bệnh.

Trên đây là một số biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh khảm lá sắn, đề nghị UBND các tỉnh, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh trồng sắn khẩn trương thực hiện.