Bệnh virus khảm lá sắn (mì) là loại bệnh nguy hiểm trên cây sắn (mì) ở một số nước trên thế giới, là đối tượng dịch hại mới, lần đầu tiên xuất hiện và gây hại ở nước ta. Virus gây bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV). Bệnh lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci Genn.) và qua hom giống nên có nguy cơ gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn ở Việt Nam.

Từ tháng 6/2017, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện và gây hại trên cây sắn ở tỉnh Tây Ninh. Hiện nay, diện tích nhiễm bệnh là 1.581 ha, trong đó 368 ha bị nhiễm nặng và 41 ha bị nhiễm rất nặng.

Trước tình hình trên, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và các cơ quan liên quan thực hiện khẩn trương nội dung sau:

1.   Điều tra, phát hiện, tiêu hủy ngay khi phát hiện cây bệnh

 - Chỉ đạo hệ thống BVTV điều tra, phát hiện những khu vực trồng sắn nhiễm bệnh khảm lá để chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy theo Quy trình phòng trừ bệnh khảm lá sắn Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ BVTV, khuyến nông, cán bộ xã, thôn và nông dân nhận biết triệu chứng bệnh khảm lá sắn để chủ động tiêu hủy nguồn bệnh nếu phát hiện bệnh; đề nghị nông dân cung cấp thông tin nếu phát hiện để kịp thời tiêu hủy (hình ảnh trên www.ppd.gov.vn).

2. Tăng cường công tác kiểm dịch thực vật

- Không vận chuyển thân, lá sắn ra khỏi nơi nhiễm bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá sắn trên địa bàn tỉnh cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến. Nghiêm cấm vận chuyển thân, lá sắn từ nơi đang có dịch ra vùng khác.

- Tăng cường công tác kiểm dịch thực vật, kiểm tra chặt chẽ các lô củ sắn tươi nhập khẩu từ Lào và Campuchia đảm bảo không mang theo thân, hom, lá sắn; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là Hải quan, Biên phòng, Công an trong việc tăng cường ngăn chặn việc nhập vật liệu sắn làm giống trái quy định.

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh báo cáo kết quả công tác điều tra phát hiện và tiêu hủy cây bệnh (nếu có) gửi về Cục BVTV trước ngày 30/8/2017. Nếu phát hiện bệnh khảm lá sắn phải báo cáo ngay về Cục BVTV để phối hợp xử lý.

Các Trung tâm BVTV vùng phối hợp, hỗ trợ các tỉnh điều tra, nhận diện bệnh khảm lá sắn; tổng hợp tình hình và báo cáo thường xuyên về Cục BVTV.

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện.

KT. CỤC TRƯỞNG

PHÓ CỤC TRƯỞNG

Nguyễn Quý Dương

(đã ký)