Nguyên nhân gây bệnh là virus Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus (SRBSDV), rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới lây truyền virus. Cây lúa ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh bị nhiễm virus sẽ không trỗ được hoặc giảm năng suất nghiêm trọng.

Năm 2017, bệnh tái bùng phát và gây thiệt hại nặng cho sản xuất lúa vụ hè thu, mùa ở nhiều tỉnh phía Bắc, nhiều diện tích bị bệnh nặng không cho thu hoạch. Bệnh lùn sọc đen phương Nam có nguy cơ cao bùng phát thành dịch, gây hại nghiêm trọng trong vụ lúa đông xuân 2017-2018, lúa mùa 2018 và các vụ lúa tiếp theo nếu không có các biện pháp phòng trừ kịp thời.

Để chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen phương Nam nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất lúa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:

1. UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc

a) Thành lập, kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh lùn sọc đen phương Nam ở các cấp.

b) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, chủ động phòng trừ rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen phương Nam trên cơ sở thực hiện tốt các biện pháp phòng, trừ bệnh theo hướng dẫn tại Thông tư số 58/2010/TT-BNNPTNT ngày 05/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, trong đó cần tập trung thực hiện:

- Chỉ đạo làm đất sớm, vệ sinh đồng ruộng, cày vùi lúa chét và cỏ dại là ký chủ phụ của rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen phương Nam ở các khu vực đã bị bệnh để tiêu hủy triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng; những nơi có mật độ rầy lưng trắng cao phải phun trừ trước khi cày vùi, tiêu hủy.

-  Kiểm tra, rà soát, lắp đặt mới hệ thống bẫy đèn để xác định đỉnh cao của rầy di trú, đặc biệt là rầy lưng trắng; lấy mẫu rầy vào đèn và mẫu rầy trên đồng ruộng giám định, xác định tỷ lệ rầy mang virus lùn sọc đen phương Nam để có biện pháp phòng trừ môi giới truyền bệnh và bố trí lịch thời vụ phù hợp.

-  Hạn chế đưa vào cơ cấu những giống lúa đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen phương Nam nặng, tăng cường sử dụng các giống kháng, chống chịu hoặc ít nhiễm rầy lưng trắng.

-  Giám sát chặt chẽ, bảo vệ diện tích mạ khỏi nguồn bệnh, đặc biệt ở các vùng đã bị bệnh lùn sọc đen phương Nam:

+ Mạ vụ Đông xuân, vụ Xuân: Khuyến cáo che phủ nilon để chống rét đồng thời ngăn rầy lưng trắng xâm nhập truyền bệnh.

+ Mạ vụ Hè thu, vụ Mùa: Che phủ lưới dày chống côn trùng hoặc xử lý hạt giống bằng thuốc BVTV trước khi gieo và thường xuyên kiểm tra tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus trên đồng ruộng để phun trừ kịp thời.

Nếu phát hiện mạ có triệu chứng bệnh, tiến hành tiêu hủy cả luống hoặc cả ruộng sau khi đã phun trừ rầy; gieo bổ sung mạ nếu thời vụ cho phép.

-  Trong thời gian từ khi gieo cấy đến giai đoạn lúa làm đòng phải thường xuyên kiểm tra tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus để phun trừ kịp thời, ngăn chặn rầy lây lan nguồn bệnh; thực hiện nhổ, vùi tiêu hủy những cây lúa bị bệnh, cấy dặm bằng cây lúa khỏe; chăm sóc bổ sung để cây lúa nhanh chóng phục hồi.

-  Tập huấn cho nông dân về cách nhận biết rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen phương Nam, thời điểm rầy di trú và biện pháp phòng trừ để người dân biết và chủ động thực hiện; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền.

-  Thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở cơ sở, xử lý nghiêm việc kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, tăng giá thuốc trong thời gian có dịch.

c) Chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân phòng chống dịch bệnh theo quy định hiện hành, nếu có khó khăn báo cáo kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết.

d) Khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân tham gia tích cực và có hiệu quả trong phòng trừ dịch bệnh; xử lý kỷ luật nghiêm khắc những tập thể, cá nhân không nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên để bệnh lây lan, bùng phát thành dịch.

2. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a)  Cục Bảo vệ thực vật:

-   Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh/thành tăng cường điều tra, phát hiện sớm rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen phương Nam và chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời.

-   Chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục phối hợp chặt chẽ với các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh lấy mẫu, giám định nhanh nguồn rầy mang virus gây bệnh lùn sọc đen phương Nam.

-   Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh; phân công cán bộ phụ trách các địa phương hỗ trợ việc kiểm tra, giám sát tình hình bệnh.

-   Chủ trì, phối họp với các đơn vị rà soát, hoàn thiện quy trình phòng trừ tổng hợp rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa.

-   Kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh; tổng hợp và báo cáo tình hình dịch bệnh, công tác phòng chống về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Cục Trồng trọt:

-  Chỉ đạo gieo cấy giống lúa thay thế các giống đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen phương Nam nặng trong vụ hè thu và Mùa 2017.

-   Theo dõi tình hình sản xuất lúa ở địa phương để phối hợp chỉ đạo về cơ cấu giống, thời vụ và các biện pháp canh tác phòng chống bệnh lùn sọc đen phương Nam.

c)  Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chỉ đạo hệ thống khuyến nông các cấp tập trung tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn tới tận hộ nông dân các biện pháp phòng trừ rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen phương Nam; xây dựng các mô hình phòng trừ bệnh có hiệu quả; tổ chức in ấn sổ tay, tờ rơi, poster, thông tin tuyên truyền phòng trừ rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen phương Nam; kịp thời tổng kết và phổ biến kết quả mô hình để áp dụng trên diện rộng.

d)  Viện Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục nghiên cứu sâu về bệnh lùn sọc đen phương Nam và các bệnh virus hại lúa khác; tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế trong nghiên cứu về dự báo, chẩn đoán và phòng chống bệnh virus hại lúa.

Đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố phía Bắc và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nội dung trên; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện và những khó khăn, vướng mắc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Bảo vệ thực vật) để kịp thời xử lý.

BBT (gt)