Ngày 7/6/2017, Văn phòng Bộ đã có Thông báo số 4690 TB-BNN-VP về ý kiến kết luận của Bộ trưởng tại Hội nghị. Nội dung cụ thể như sau:

1. Trong chiến lược phát triển ngành hàng tôm Việt Nam, khu vực Duyên hải miền Trung có tiềm năng và một số điều kiện rất đặc biệt:

- Tổng diện tích đất cát ven biển (rất khó canh tác nông nghiệp) khoảng 100.000 ha, trong đó có khoảng gần 15.000 ha có thể phát triển nuôi tôm trên cát, không bị tác động hoặc xung đột với ngành kinh tế khác;

- Là vùng có nguồn nước biển sạch, nhiệt độ trung bình năm cao, phù hợp cho nuôi tôm thẻ chân trắng;

- Là vùng sản xuất giống tôm nước lợ chủ yếu của cả nước (các tỉnh khu vực Nam Trung bộ);

- Có lợi thế về thị trường: Trong vùng có nhiều thành phố du lịch, gần các trung tâm công nghiệp lớn cho tiêu thụ nội địa; gần với thị trường Trung Quốc để thuận lợi cho xuất khẩu.

Trên thực tế, toàn vùng đã có trên 3.700 ha nuôi tôm trên đất cát, trong đó có nhiều mô hình được đầu tư nghiên cứu, thực hiện đúng quy trình nên năng suất và hiệu quả rất cao.

2. Nghề nuôi tôm trên cát tại vùng Duyên hải miền Trung có những thách thức cần phải lưu ý, đó là:

- Chịu tác động của nhiều yếu tố của thời tiết: Quá nóng về mùa hè; riêng vùng Bắc Trung bộ thường lạnh vào mùa đông; thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt.

- Nguồn nước ngọt không dồi dào, đặc biệt là nước mặt phân bố không đều, khó điều tiết.

- Quy trình nuôi tôm thâm canh lót bạt trên cát cần chi phí đầu tư lớn, nguy cơ ô nhiễm cao, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và quản trị phải tốt. Do đó, khu vực này phải có giải pháp quản lý và các chính sách đầu tư riêng, phù hợp.

3. Để phát huy tiềm năng lợi thế, hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi nhằm phát triến bền vững nghề nuôi tôm trên đất cát tại các tỉnh Duyên hải miền Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

a. Đối với UBND các tỉnh Duyên hải miền Trung

- Khẩn trương rà soát diện tích đất cát có thể quy hoạch phát triển nuôi tôm trên cát theo nguyên tắc: (i) không vi phạm đến đất rừng ven biển; (ii) có điều kiện tự nhiên đáp ứng yêu cầu (có nguồn nước mặn và nước ngọt phù hợp); (iii) không xung đột với các ngành, nghề kinh tế xã hội khác. Từ nguyên tắc đó, lập quy hoạch chi tiết từng vùng nuôi đảm bảo tính tập trung, có quy mô phù hợp với địa hình, điều kiện kinh tế xã hội và nhất là phải phù hợp với trình độ quản trị để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, bao gồm cả nguồn nước ngầm ven biển. Các địa phương cần quyết tâm, làm bài bản và có đầu tư nguồn lực phù hợp, đặc biệt là cần sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp và của chính người dân trong xây dựng, thực hiện quy hoạch.

- Sớm chủ động, hướng dẫn, phối hợp với doanh nghiệp, người dân xây dựng các dự án, đề án phát triển nuôi tôm cụ thể với các nội dung, chính sách, lộ trình và giải pháp kiểm soát phù hợp theo điều kiện của từng vùng, từng địa phương, gắn chặt với thị trường tiêu thụ.

- Riêng đối với 4 tỉnh có tiềm năng diện tích đất cát lớn gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, cần tập trung chỉ đạo phát triển nuôi tôm gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác nhằm bảo vệ nguồn lợi, góp phần ổn định và phát triến kinh tế - xã hội tại địa phương.

b. Đối với các doanh nghiệp:

-  Cần tiếp tục tổ chức sản xuất hiệu quả trên các diện tích đang canh tác hiện có; đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong toàn chuỗi giá trị ngành tôm, cùng giải quyết tốt các dịch vụ như cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, quy trình nuôi, công nghệ chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ,... để cùng phát triển.

- Cần quan tâm liên kết với các hộ nuôi tôm, thực hiện văn hóa chia sẻ trong kinh doanh về cả trách nhiệm và lợi ích, coi đây cũng là công việc của chính doanh nghiệp. Đồng thời, tích cực chia sẻ, hợp tác với chính quyền địa phương giải quyết tốt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn sản xuất.

c. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Giao Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan thuộc Bộ:

Phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương trong công tác rà soát, xây dựng và quản lý quy hoạch; hướng dẫn xây dựng các đề án, dự án phát triển các vùng nuôi tôm tập trung; hướng dẫn kỹ thuật, quản lý và tổ chức sản xuất.

Khẩn trương phối hợp với địa phương tổng kết các mô hình nuôi hiệu quả, các tiến bộ kỹ thuật mới để phổ biến nhân rộng. Đồng thời, sớm đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để giải quyết các khó khăn nảy sinh từ thực tiễn, lưu ý phải gắn kết với doanh nghiệp để nhanh chóng cải thiện các vấn đề về giống, đặc biệt là sản xuất tôm bố mẹ, thức ăn, chế phẩm sinh học, quy trình nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm.

- Giao Cục Thú y theo dõi, hướng dẫn các địa phương nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm, cũng như các vấn đề về thú y thủy sản.

BBT (gt)