Hiện nay, lúa tại các tỉnh Bắc bộ phổ biến cuối đẻ - đòng; các tỉnh Bắc Trung bộ (khu 4) và trà sớm các tỉnh Bắc bộ tập trung làm đòng; một số diện tích phía Nam khu 4 và Tây Bắc bộ đang trỗ bông. Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết từ đầu vụ như lạnh, ẩm, thiếu sáng, làm cho sinh trưởng, phát triển của lúa bị chậm lại và sinh vật gây hại lúa diễn biến phức tạp, kéo dài, không rõ các đợt, lứa. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn TW, diễn biến của thời tiết tại các tỉnh phía Bắc trong thời gian tới tiếp tục mưa, ẩm, nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho một số sinh vật gây hại lúa gia tăng. Bước đầu đã có trên 10.000 ha nhiễm bệnh đạo ôn hại lá; trên 3.500 ha nhiễm rầy các loại, nhiều nơi mật độ rất cao gây cháy chòm nhỏ (phía Nam khu 4); ... và đang có nguy cơ gia tăng về cuối vụ đông xuân. Trong đó:

Rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục tăng nhanh từ giai đoạn làm đòng trở đi và mật độ cao ứng với giai đoạn lúa ngậm sữa và nguy cơ cháy rầy cao sau giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh - chín; dự báo mức độ cao hơn trên 1,5 lần cùng kỳ năm trước; không những rầy lứa 2 phát sinh, gây hại vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5/2016, mà lứa 3 vào cuối tháng 5 - đầu tháng 6/2016 gây hại cao hơn, do lúa bị chậm lại.

Bệnh đạo ôn gây hại cổ bông vào cuối tháng 4 đến giữa tháng 5/2016 trên lúa trỗ bông - chắc xanh tập trung tại các vùng có nguy cơ cao như trên trà lúa sớm, gieo cấy các giống nhiễm, những ruộng trước đây đã bị nhiễm bệnh trên lá, mộng bón nhiều phân đạm hoặc vùng ổ bệnh nặng hàng năm.

Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 (gây hại nhẹ - trung bình tập trung vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5/2016); những diện tích lúa trỗ muộn, sẽ trùng với sâu đục thân lứa 2 phát sinh rộ và sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 (gây hại tập trung từ trung tuần tháng 5 - cuối tháng 5/2016) và một số sinh vật gây hại khác gây hại tại đồng bằng Bắc bộ và một phần diện tích của tỉnh Thanh Hóa.

Để bảo vệ lúa đông xuân 2015-2016 cuối vụ, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Sở phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt trên giống nhiễm, bón nhiều đạm, vùng ổ nhiễm hàng năm và tổ chức hướng dẫn, đôn đốc nông dân thường xuyên tự kiểm tra diễn biến của rầy, bệnh đạo ôn và các loại sâu bệnh khác, cụ thể:

a) Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng:

- Thống kê, phân loại tuổi rầy, mức độ nhiễm, để tổ chức, thực hiện phòng chống ở những diện tích có mật độ rầy cao ngay từ khi rầy còn ở tuổi 2-3 theo nguyên tắc “4 đúng”. \

- Không phun thuốc tràn lan hoặc phun thuốc khi mật độ rầy thấp. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau phòng trừ rầy và chống tái nhiễm. 

- Thu hoạch sớm đối với những diện tích lúa đã chín bị nhiễm rầy nặng theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

b) Đối với bệnh đạo ôn hại cổ bông, gié: 

Cần theo dõi sát diễn biến của thời tiết để hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống tại những vùng có nguy cơ cao bằng thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc 4 đúng ngay khi lúa bắt đầu trỗ và sau khi trỗ thoát. Đồng thời, tiếp tục phòng chống bệnh đạo ôn hại lá trên trà lúa muộn cho những diện tích chớm xuất hiện.

c) Phòng chống một số sâu bệnh khác:

- Bệnh lem lép hạt trên trà lúa trỗ sớm, nhất là một số tỉnh khu 4;

- Sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ trên trà lúa trỗ muộn và cực muộn tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.

- Tiếp tục tổ chức, thực hiện diệt chuột.

2. Phối họp với cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phát hiện, phòng trừ rầy, bệnh đạo ôn và các sâu bệnh hại khác kịp thời.

3. Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở tăng cường kiểm soát việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung trên và chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật/Chi cục Bảo vệ thực vật (Chi cục) tỉnh/thành thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện và những vướng mắc về Cục Bảo vệ thực vật bằng thư điện tử (pbvtv.bvtv@mard.gov.vn) để phối hợp xử lý./.

BBT (gt)