1. Mục đích:

 Tập trung sự chỉ đạo và các nguồn lực đầu tư của hệ thống khuyến nông trong vùng để thực hiện tốt các nội dung của Chương trình, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và thực hành của nông dân về giảm lượng giống lúa gieo sạ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm  2016 và các năm sau.

2. Nội dung của kế hoạch hành động:

2.1. Về thông tin tuyên truyền: Các cơ quan khuyến nông triển khai đợt tuyên truyền tập trung, sâu rộng đến nông dân trong nội dung của Chương trình do Bộ phát động, từ đó thay đổi nhận thức về tác dụng và sự cần thiết giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm chủ động ứng phó với  xu hướng hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt ở vùng ĐBSCL, thông qua đó nông dân tự giác tham gia Chương trình. Các tổ chức khuyến nông sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị để lựa chọn các hình thức tuyên truyền sau đây:

- Tổ chức các buổi tọa đàm, tư vấn trực tiếp trên truyền hình thông qua các chuyên mục “Khuyến nông” hoặc “Nhịp cầu Nhà nông” trên sóng của VTV Cần Thơ, VTC16 và các đài cấp tỉnh, cấp huyện. Các cán bộ khuyến nông và các chuyên gia theo các lĩnh vực chuyên ngành sẽ tư vấn cho nông dân lựa chọn những giải pháp kỹ thuật (giống, phân bón, BVTV, cơ khí…) phù hợp để thực hiện Chương trình có hiệu quả nhất, giới thiệu những mô hình đã thực hiện thành công để nông dân trực tiếp tìm hiểu, học hỏi, đồng thời hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc của nông dân trong quá trình sản xuất.

- In và phát hành khoảng 2.000 tờ tranh treo tường (Poster), xây dựng các pano tại các điểm tập trung để tuyên truyền, hướng dẫn Quy trình 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G), trong đó đặc biệt nhấn mạnh kỹ thuật gieo sạ thưa khoảng 80 kg giống/ha; hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi lúa sang trồng bắp và một số cây màu, cây công nghiệp để ứng phó với hạn và xâm nhập mặn.

- Từng địa phương tổ chức các diễn đàn, các hội thảo đầu bờ, các hội thi, hội diễn của nông dân để tuyên truyền về nội dung Chương trình. Phân công cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện về sinh hoạt thường xuyên với các Câu lạc bộ Khuyến nông, các nhóm nông dân cùng sở thích, HTX để hướng dẫn, giúp đỡ kiến thức cho nông dân.

2.2. Về  tập huấn: Tổ chức đợt tập huấn tập trung cho nông dân từ 25/2-  25/4/2016 về nội dung Chương trình. Trong đó: 

- Mỗi tỉnh tổ chức ít nhất 01 lớp tập huấn TOT chuyên đề cho cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện về kỹ thuật gieo sạ thưa (80- 100 kg/ha) và kỹ thuật canh tác các cây trồng chuyển đổi né hạn, mặn. Thời gian tập huấn TOT xong trước 15/3/2016 để lực lượng học viên này sẽ tiếp tục tập huấn và hướng dẫn cho nông dân trước khi xuống giống vụ Hè Thu và vụ Thu Đông.

- Tổ chức chương trình tập huấn tập trung cho nông dân nòng cốt và cộng tác viên khuyến nông cơ sở về kỹ thuật gieo sạ thưa (80 - 100 kg giống/ha) gắn với kỹ thuật 3G3T, 1P5G, SRI, IPM... và kỹ thuật sản xuất câc cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đã xác định cho từng tiểu vùng. Ít nhất mỗi huyện, thị xã trong vùng tổ chức được 02 lớp tập huấn cho nông dân nòng cốt, cộng tác viên khuyến nông để họ tiếp tục hướng dẫn nông dân làm theo. Thời gian  tập huấn tập trung từ 25/3 -  30/5/2016.

2.3. Về xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn:

- Tại các tỉnh triển khai 02 dự án khuyến nông trung ương (Dự án xây dựng mô hình sản xuất lúa 3G3T và SRI, Dự án xây dựng mô hình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ xuống 80 kg/ha tại ĐBSCL), khẩn trương tổ chức chọn điểm, chọn hộ phù hợp, tập huấn cho nông dân trước thời vụ xuống giống và tổ chức cung cấp giống, vật tư đảm bảo chất lượng và hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình hình thành các tổ hơp tác, HTX để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao.  Mỗi tỉnh/thành phố tham gia Dự án cần xây ít nhất 1 mô hình mẫu của Dự án để tổ chức hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm.

- Tại mỗi tiểu vùng sinh thái của mỗi tỉnh/thành phố lựa chọn và xây dựng các mô hình liên kết chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phù hợp với quy hoạch chuyển đổi của tỉnh và nhu cầu thị trường, đảm bảo gắn kết giữa khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trọng tâm là chuyển sang trồng bắp lai hoặc bắp nếp, đậu nành, ngoài ra có thể chuyển trồng đậu phộng, mè, rau đậu, cây ăn trái hàng hóa (cam, bưởi, xoài, thanh long..)

- Tổ chức Hội nghị sơ kết vào thời điểm sau vụ thu hoạch lúa Hè thu và Thu đông 2016 để đánh giá, kiểm điểm, chia sẻ kinh nghiệm và tuyên dương những đơn vị và cá nhân thực hiện tốt.

3. Tổ chức thực hiện: Để thực hiện tốt Kế hoạch hành động này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, đơn vị, giữa trung ương và địa phương.

3.1.  Ở Trung ương: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đầu mối có nhiệm vụ:

- Tổ chức ký giao ước thi đua giữa Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư các tỉnh/thành phố trong vùng để tạo sự đồng thuận triển khai Kế hoạch.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố để kiểm tra, đôn đốc hệ thống khuyến nông trong vùng triển khai Kế hoạch.

- Phân công các phòng, đơn vị trực thuộc, các Chủ nhiệm Dự án có liên quan thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ đối với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư các tỉnh trong quá trình thực hiện Kế hoạch. Hàng tháng tổng hợp tiến độ thực hiện Kế hoạch báo cáo về Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, Thành phố. Kết thúc vụ sản xuất, tổng hợp đánh giá kết quả để tổ chức Hội nghị sơ kết toàn vùng.

3.2. Ở địa phương

- Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố:    

+ Quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện để Trung tâm khuyến nông và các đơn vị liên quan của Sở và các huyện phối hợp chặt chẽ  triển khai Kế hoạch hành động này.

 + Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kiểm tra, đánh giá, tổng kết kết quả triển khai Kế hoạch hành động của hệ thống khuyến nông địa phương; bình chọn, khen thưởng và có cơ chế khuyến khích, nhân nhanh những mô hình, điển hình đạt kết quả tốt nhằm tạo sự chuyển biến trên diện rộng về giảm lượng giống lúa gieo cấy trên đơn vị diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đạt hiệu quả cao, bền vững.

- Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư các tỉnh/ thành phố trong vùng:

+ Căn cứ Kế hoạch hành động này, khẩn trương để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của địa phương, lồng ghép, cân đối nguồn kinh phí khuyến nông trung ương và địa phương báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt và tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất.

+ Thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện và định kỳ vào ngày 25 hàng tháng báo cáo tiến độ triển khai Kế hoạch về Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp và PTNT; Kết thúc mỗi vụ sản xuất đề xuất với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị tham quan, hội thảo đầu bờ tại các mô hình để đánh giá, rút kinh nghiệm và tuyên truyền nhân rộng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên diện rộng. 

3.3. Các doanh nghiệp/ Hiệp hội:

- Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống Khuyến nông - Khuyến ngư các tỉnh/ thành phố trong vùng để triển khai Kế hoạch hành động hưởng ứng chủ trương giảm lượng giống lúa gieo  sạ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa do Bộ phát động. 

- Bố trí nguồn kinh phí và nhân lực phối hợp với hệ thống Khuyến nông xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết cung cấp giống, vật tư đầu vào, hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất lúa tiến tiến và tiêu thụ sản phẩm  cho nông dân tại các địa bàn quy hoạch là vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp.

- Căn cứ điều kiện cụ thể, hỗ trợ về tinh thần và vật chất để cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động khen thưởng, động viên những HTX, nhóm hộ và hộ nông dân tiêu biểu thực hiện tốt nhất Chương trình do Bộ phát động.

Trên đây là Kế hoạch hành động của Hệ thống khuyến nông hưởng ứng  Chương trình giảm lượng hạt giống gieo sạ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vùng ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư 13 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL thống nhất và cùng ký cam kết thi đua để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động này với kết quả cao nhất, góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt về áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững.

Hậu Giang, Ngày 19 tháng 2 năm 2016

Chứng kiến lễ ký kết

 

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG QUỐC GIA

GIÁM ĐỐC

Phan Huy Thông

(Đã ký)

 

 

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT HẬU GIANG

GIÁM ĐỐC

Nguyễn Văn Đồng

(Đã ký)

 

 

Tải Kế hoạch hành động này trong file đính kèm (.pdf)