Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Vũ Văn Tám, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Công An, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Lãnh đạo và chuyên viên các Vụ: Khoa học công nghệ và Môi trường, Kế hoạch, Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Tài chính, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; các Tổng cục: Thủy sản, Lâm nghiệp; các Cục: Thú y, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Trồng trọt, Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Trên cơ sở báo cáo tổng kết triển khai Đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2015, ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát có ý kiến kết luận như sau:

Trong Đợt cao điểm hành động Năm VSATTP vừa qua toàn Ngành Nông nghiệp đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được phân công và cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra với các mức độ khác nhau, đặc biệt đã phối họp chặt chẽ với các lực lượng công an tố chức kiểm tra, xử lý các cơ sở lưu thông buôn bán chất cấm Salbutamol, Vàng O trong chăn nuôi, thông báo công khai cho người dân; tuy nhiên một số việc trong Kế hoạch triển khai Đợt cao điểm mới chỉ thu được kết quả ban đầu như xây dựng chuỗi cung ứng nông thủy sản an toàn và xác nhận sản phẩm an toàn. Bài học tổng quan rút ra qua Đợt cao điểm là dù vấn đề phức tạp nhưng nếu nỗ lực, quyết liệt và phối hợp tốt giữa các Bộ, Ngành, giữa Trung ương và địa phương, dựa vào lực lượng quần chúng nhân dân, cách làm phù hợp thì sẽ đạt hiệu quả cao.

Năm 2016 tiếp tục xác định quản lý chất lượng, ATTP là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của toàn ngành với mục tiêu chính là tạo sự chuyển biến rõ nét hơn trong đảm bảo ATTP, đáp ứng mong đợi của nhân dân. Mục tiêu cụ thể bao gồm tăng cường kiểm soát lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên rau, trái cây, nông sản; nhất là thuốc BVTV giả, kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường do nhập lậu với các hành động quyết liệt như đối với chất cấm Salbutamol, Vàng O. Các cơ quan địa phương xây dựng Kế hoạch năm 2016 trong đó trọng tâm kiểm soát lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dư lượng thuốc BVTV trên rau, trái cây, nông sản.

Các giải pháp chính bao gồm:

1. Về công tác thông tin, truyền thông

- Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ NN&PTNT xây dựng Kế hoạch truyền thông cụ thể; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí đưa thông tin chính xác đến nhân dân, thông điệp cụ thể, rõ ràng nhằm đạt hiệu quả cao hơn.

- Các địa phương phối hợp chặt chẽ với trung ương, nghiêm túc công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người dân, người tiêu dùng.

2. Về sửa đổi hành lang pháp lý

- Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các Tổng Cục, Cục chuyên ngành khẩn trương hướng dẫn thi hành Luật Hình sự bổ sung (khi được ban hành) trong lĩnh vực quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản. Đề xuất sửa đổi các Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp cho phù hợp.

- Cục Trồng trọt, Chăn nuôi, Tổng Cục Thủy sản trong 2 tháng phải đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến VietGAP để giảm thiểu chi phí cho người thực hiện và đảm bảo sản phẩm an toàn; khuyến khích sản xuất VietGAP có xác nhận. Đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ.

- Các Tổng Cục, Cục rà soát, đề nghị Bộ Y tế sửa đổi quyết định liên quan đến mức tồn dư tối thiểu các loại kháng sinh và tồn dư thuốc BVTV để Ngành Nông nghiệp có cơ sở giám sát, xử lý vi phạm.

3. Về công tác thanh tra, kiểm tra trên thị trường nội địa

- Thanh tra Bộ tiếp tục bố trí lực lượng phụ trách đường dây nóng để tiếp thu, xử lý tận gốc các phản ánh kiến nghị của nhân dân; rà soát lại các phản ánh, kiến nghị trước đây của người dân để đề nghị Bộ trưởng khen thưởng đối với nguồn tin chính xác.

- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam tiếp tục phối hợp triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh với hành vi vi phạm.

- Khắc phục các yếu kém của Đợt cao điểm vừa qua, cụ thể là tiếp tục xây dựng các chuỗi cung cấp nông thủy sản an toàn và to chức xác nhận sản phẩm an toàn, đến cuối năm 2016 mỗi tỉnh/thành phố trên cả nước hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận.

4. Về tăng cường bộ máy

- Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố rà soát lại chức năng nhiệm vụ của Ngành Nông nghiệp theo Luật ATTP; tiếp tục đào tạo, bổ sung cán bộ, đào tạo cấp thẻ thanh tra viên cho công chức làm trong ngành nông nghiệp, đầu tư phương tiện xét nghiệm đa dư lượng, đẩy mạnh công tác xã hội hóa xét nghiệm, để làm tròn trách nhiệm được giao.

- Chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với Ngành Công an, Công thương, Y tế, các tổ chức đoàn thể tại địa phương để triển khai tốt nhiệm vụ được giao.

5. Về công tác thi đua, khen thưởng

Hoàn thiện bộ tiêu chí chấm điểm giữa địa phương, bổ sung bộ tiêu chí chấm điểm các cơ quan thuộc Bộ để khuyến khích các đơn vị làm tốt, phê bình các đơn vị chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

6. Về các công việc khác

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chủ động giải quyết các đề xuất vướng mắc của các Bộ, ngành đã được đề xuất tại Hội nghị.

BBT(gt)