Giải pháp sáng tạo được Hội đồng khoa học đánh giá cao là chiếc máy “Lột vỏ, tách hạt bắp (ngô)”. Sáng chế hữu ích này đạt giải Nhì trong Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang vừa tổ chức vào tháng 8/2015.

Huyện An Phú có hơn 600 ha đất sản xuất bắp, hằng năm sản lượng thu hoạch tăng đáng kể. Ngoài việc lấy hạt để ăn hoặc làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, số cùi bắp trước đây nông dân phải vứt bỏ đi. Với mục đích thu gom cùi bắp tồn đọng do người dân có thói quen thải ra môi trường xung quanh, vừa làm mất vẻ mỹ quan, vừa gây mùi hôi thối. Sau khi nghiên cứu thực tiễn, cùi bắp có thể xay nhuyễn để trồng nấm linh chi ở một số nước Đông Nam Á. Do đó cần thiết phải có một công cụ giúp ích cho việc thu gom cùi bắp một cách khoa học, nhanh chóng, tiện lợi. Chiếc máy “Lột vỏ, tách hạt bắp” ra đời đã giải quyết được vấn đề trên.

 Qua nhiều lần cải tiến, máy “Lột vỏ, tách hạt bắp” đã hoàn chỉnh với công suất hoạt động 5 tấn/giờ, thay thế cho khoảng 10 công lao động. Như vậy, khi ứng dụng máy vào sản xuất sẽ góp phần tiết kiệm công lao động, thời gian, chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vì đã tận dụng được số lượng lớn cùi bắp trở thành nguyên liệu có ích để xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á khác.

Tính mới của chiếc máy là tách riêng biệt giữa cùi và hạt bắp sau khi khi được lột vỏ. Phần cùi bắp đổ về hướng bên trái chiếc máy, phần hạt đổ về phía bên phải của chiếc máy. Kết cấu của chiếc máy này được liên kết bởi các thiết bị bằng sắt, thép, cao su. Ưu điểm của máy “Lột vỏ, tách hạt bắp” là hoạt động nhanh chóng, ít hao nhiên liệu, tiết kiệm được thời gian, nhân công lao động. Hạt bắp sau khi được tách ra rất đẹp. Máy có thể di chuyển một cách dễ dàng ra đồng ruộng.

Máy “Lột vỏ, tách hạt bắp” rất có lợi khi ứng dụng vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và giúp ích cho cộng đồng xã hội. Trong điều kiện nguồn lao động chân tay đang thiếu dần thì việc ứng dụng máy móc thay thế là cần thiết. Nếu tính công lao động mỗi người làm công một ngày 150.000 đồng, 10 người bỏ công lột và tách hạt 2 tấn bắp mỗi ngày phải tốn chi phí là 1.500.000 đồng. Một công bắp thu hoạch xong ước đạt thấp nhất 1 tấn, với 10 nhân công phải mất 4 giờ đồng hồ để lột và tách hạt. Trong khi đó sử dụng máy “Lột vỏ, tách hạt bắp” thì 1 giờ đồng hồ có thể lột và tách hạt được 5 tấn bắp chỉ cần 2- 4 lao động.

Chi phí, giá thành mua sắm máy không cao so với những công nghệ cao cấp ngoại nhập khác. Máy “Lột vỏ, tách hạt bắp” là sáng kiến đầu tiên ở Việt Nam và có thể xem là giải pháp hữu ích để giúp nông dân, nhà doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Phòng Thông tin Quảng bá & XTTM

Trung tâm Khuyến nông An Giang