Cũng như bao hộ dân khác ở vùng đất vải thiều, trước kia, gia đình ông Thân Văn Quý cũng sở hữu vườn vải thiều rộng gần 2 mẫu với hàng trăm cây cho thu hoạch. Nhưng vào những năm từ 2005 – 2007, giá cả của quả vải thiều không ổn định nên thu nhập từ cây ăn quả của gia đình ông Quý chẳng được là bao. Cuộc sống khó khăn, ông Quý đã nghĩ phải tìm cách chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. Sau khi tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông đại chúng, ông Quý nhận thấy giống nhãn Miền Thiết ở tỉnh Hưng Yên có nhiều ưu điểm, có thể phù hợp với đồng đất ở địa phương và thực tế đã có một số hộ trong Lục Ngạn trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Theo đó, ông Quý đã bàn với gia đình thực hiện quyết định táo bạo: chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn vải thiều sang trồng nhãn Miền Thiết.

Quyết là làm, đầu năm 2007, ông Quý đã lặn lội đến tỉnh Hưng Yên học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc nhãn lồng, đồng thời mua hơn 200 cây nhãn giống Miền Thiết về trồng. Chỉ sau 3 năm tập trung chăm sóc đúng khoa học kỹ thuật, đến năm 2010, vườn nhãn Miền Thiết nhà ông Quý đã bắt đầu cho thu hoạch được 3 tấn quả, bán được giá từ 25 – 30 nghìn đồng/kg. Những năm tiếp theo, cây nhãn lớn dần lên và sản lượng nhãn nhà ông cũng tăng theo đạt từ 8 – 10 tấn quả/năm. Giống nhãn Miền Thiết có ưu điểm là quả rất to, ăn ngọt nên được khách hàng ưa chuộng, nhờ thế, việc tiêu thụ thuận lợi. Những năm gần đây, tiểu thương vào tận vườn nhãn nhà ông Thân Văn Quý để thu mua sản phẩm nên gia đình đỡ nhiều công vận chuyển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Quý phấn khởi cho biết thêm, chăm sóc và thu hoạch nhãn không có gì vất vả. Nhãn ra quả tùm rất nặng, khi thu hoạch lại không phải vặt lá và bó như vải thiều nên đỡ vất vả hơn. Năm 2015, gia đình tôi thu hơn 10 tấn quả, trị giá hơn 200 triệu đồng. Năm nay, tuy không được mùa nhưng sản lượng nhãn nhà tôi vẫn đạt 4,5 tấn quả tươi.

Ông Thân Văn Quý giới thiệu về mô hình trồng nhãn Miền Thiết của gia đình

Từ mô hình kinh tế này, nhận thấy giống nhãn Miền Thiết phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, cây sinh trưởng phát triển tốt và cho giá trị kinh tế khá cao nên những năm vừa qua, người dân ở trong và ngoài xã Trù Hựu đã đến thăm, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Ai đến thăm ông Quý cũng nhiệt tình đón tiếp và hướng dẫn cẩn thận về cách trồng chăm sóc. Hiện riêng ở thôn Mịn To, xã Trù Hựu đã có hơn 50 hộ chuyển đổi một phần diện tích cây ăn quả khác sang trồng nhãn. Đến nay diện tích nhãn lồng của thôn Mịn To đã đạt 15 ha, sản lượng đạt 60 tấn, cho giá trị đạt trên 1 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, nhờ năng động, nhạy bén trong sản xuất, đồng thời cũng là thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây ăn quả, đa dạng hóa sản phẩm nông  của địa phương hợp lý, đến nay, gia đình ông Thân Văn Quý đã trở thành hộ sản xuất giỏi tiêu biểu của xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn. Mô hình trồng nhãn Miền Thiết của gia đình ông đã được nhiều hộ dân đến thăm quan, học tập kinh nghiệm để làm theo hiệu quả.

Đức Thọ

Đài truyền thanh Lục Ngạn – Bắc Giang