Gặp anh Quán tại cánh đồng sau làng, giáp với khu công nghiệp, khi anh đang chăn thả đàn trâu. Anh vui vẻ cho tôi biết: Trước đây, khi phong trào chăn nuôi còn chưa phát triển, mỗi gia đình chỉ nuôi 1- 2 con trâu, bò phục vụ cho cày kéo trong sản xuất nông nghiệp là chính, anh Quán đã có ý tưởng chăn nuôi tập trung để phát triển kinh tế. Năm 2005, anh bắt đầu nuôi trâu để bán lấy thịt. Ban đầu anh chỉ nuôi 10 con. Đến năm 2010, anh bắt đầu nuôi với quy mô lớn hơn là 50 con và duy trì cho đến nay.

Thông thường vào khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm, anh Quán vào Nghệ An để tìm mua nghé về nuôi, trung bình anh mua trâu giống với giá 16-17 triệu đồng/con. Sau 6- 10 tháng nuôi, khi trâu có trọng lượng đạt từ 250- 300 kg/con là xuất bán… Công việc hàng ngày của anh là đi chăn thả trâu từ sáng sớm, đến chiều tối anh mới lùa trâu về nhốt. Do chủ yếu tận dụng rơm, cỏ sẵn có ngoài đồng, gia đình hầu như không phải cho ăn thêm các thức ăn bổ sung nên đàn trâu của anh Quán có chất lượng thịt thơm ngon, tỷ lệ thịt cao nên thương lái rất thích mua. Ngoài tiền vốn đầu tư ban đầu mua trâu giống, tiền vắcxin tiêm phòng, gia đình không mất thêm các khoản chi phí khác.

Với nguồn đầu ra ổn định, mỗi năm anh xuất bán 2- 3 lứa, mỗi lứa từ 12- 15 con trâu, thương lái ở Bắc Giang đến tận nhà mua với giá 27 - 30 triệu đồng/con. Dự kiến toàn bộ đàn trâu 50 con hiện nay, anh sẽ xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Đã nhiều năm làm nghề nuôi trâu thương phẩm, anh Quán rút ra được những kinh nghiệm quý báu: Nên chọn mua những con nhanh nhẹn, đuôi luôn ve vẩy, chứng tỏ là những con trâu khỏe. Mua trâu về bắt buộc phải tiêm phòng các loại bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng và tẩy giun sán cho đàn trâu. Đối với chuồng trại, cần làm cao ráo, thoáng mát về mùa hè; mùa đông cần che kín để giữ ấm cho đàn trâu; nền chuồng nên lát gạch để dễ vệ sinh và thực hiện phun hoá chất khử trùng theo định kỳ. Thời điểm trâu lớn nhanh là vào tháng 5, tháng 6, khi đó cũng là thời điểm chuyển giao giữa vụ lúa Xuân và vụ lúa mùa, thức ăn dồi dào nên anh thường tranh thủ thả trâu cả ngày ngoài đồng, đến 7 - 8 giờ tối mới lùa trâu về để trâu ăn các mầm lúa non mà người dân quen gọi là “trau lúa” và có lẫn chút sương đêm, trâu sẽ nhanh lớn và béo. Tuy nhiên đến mùa đông, trâu thường chịu rét kém nên cần phải chăm sóc tốt, bảo đảm đủ cỏ tươi, giữ ấm cho đàn trâu và tuỳ thời tiết mà chăn thả cho phù hợp. Những ngày rét phải pha nước muối loãng ấm cho trâu uống, đi thả muộn khi trời đã tan giá và đưa trâu về sớm hơn thường ngày, như vậy vừa tạo điều kiện để trâu có thời gian vận động, thích nghi dần với thời tiết và tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên, dành thức ăn chuẩn bị sẵn cho các đợt rét khác.

Mỗi năm, gia đình anh Quán xuất bán khoảng 50 con trâu

Trao đổi với anh về hiệu quả kinh tế, anh khiêm tốn cho biết: Nuôi trâu cho thu nhập không cao nhưng ổn định. Mỗi năm, gia đình xuất bán ít nhất 50 con trâu, thu lãi trên 10 triệu đồng mỗi con, tính ra một năm gia đình thu về trên 500 triệu đồng.

Bằng nghề nuôi trâu chăn thả với quy mô tập trung đã giúp gia đình anh Quán có nguồn thu nhập cao, ổn định. Tuy nhiên với nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, trong khi đó diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh như hiện nay nên anh Quán cũng như những hộ chăn nuôi tại địa phương mong muốn được sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa của nhà nước về vốn, kỹ thuật chăm sóc và đặc biệt công tác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để phát triển hơn nữa các mô hình chăn nuôi.

              Đỗ Thị Vui

Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh