Nguyên nhân người nông dân để đất hoang hóa là do hiệu quả kinh tế từ nông nghiệp thấp; việc đô thị hóa phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã có tác động và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đất đai, nguồn nước bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, nguồn lao động nông nghiệp thiếu hụt do chuyển sang làm tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề cũng là một phần dẫn tới đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Vì vậy việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là một trong những biện pháp nhằm cải tạo đồng ruộng, giải phóng lao động thủ công, giảm bớt khó khăn cho người nông dân.

 

Đưa máy cấy tào sử dụng trên cánh đồng ở thôn Kim Bảng - xã Hương Mạc , thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 


Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Kim Bảng - Hương Mạc - Từ Sơn cho biết: Từ xưa người dân trong thôn Kim Bảng vốn sống bằng nghề nông và Kim Bảng cũng là địa phương luôn được đánh giá cao về sản xuất thâm canh tăng vụ, nhưng những năm gần đây, do quy hoạch chuyển đổi đất trồng lúa sang đất dân cư, dịch vụ làng nghề đã ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn lại của thôn. Hệ thống kênh mương bị chất thải lấp đầy, hệ thống bờ vùng, bờ thửa, tưới tiêu bị xuống cấp nghiêm trọng. Bà con nông dân cấy lúa bị thất thu, khiến họ không còn thiết tha với đồng ruộng, dẫn đến ruộng đồng bị bỏ hoang. Năm 2012, trên địa bàn thôn có tới 20 ha đất nông nghiệp không thể canh tác. Với quyết tâm “khôi phục lại màu xanh” cho đồng ruộng quê hương, năm 2013 Ban chủ nhiệm HTX DVNN Kim Bảng đã mạnh dạn cải tạo diện tích đất bỏ hoang thành ruộng cấy lúa 2 vụ, đến nay thu được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.


Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng được cấy bằng máy đang trong thời kỳ đẻ nhánh Bà Thủy nói: “Sau 4 tháng đưa vào sử dụng các loại máy móc cơ giới hóa, HTX đã cải tạo được gần 15ha từ đất khó canh tác trở thành đất có thể canh tác 1 năm 2 vụ lúa; Nạo vét được 4 tuyến kênh mương tưới, tiêu với gần 2.000m khối bùn đất; Đắp được 60 bờ thửa với hơn 3.000m khối đất; đắp 8 bờ vùng với hơn 2.500m khối đất. Đặc biệt được sự giúp đỡ của Trạm khuyến nông Thị xã Từ Sơn, vụ xuân 2014 HTX đã đưa máy cấy vào trình diễn với diện tích 5ha. Đây là bước khởi đầu đưa cơ giới hóa vào sản xuất đồng ruộng nhằm giảm bớt nhân công và chi phí cho sản xuất …”.


Với kết quả đạt được, kế hoạch trong thời gian tới HTX tiếp tục mở rộng diện tích cấy lúa trên vùng đất gần 15ha đã được cải tạo và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy, chăm sóc và thu hoạch. Việc sử dụng cơ giới hóa tại HTX Kim Bảng - Hương Mạc - Từ Sơn là một trong những giải pháp cấp thiết, giúp giải bài toán đất nông nghiệp bỏ hoang trên địa bàn tỉnh hiện nay.

 


Nguyễn Công Cường 

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bắc Ninh