Năm 1995, anh được xã Cát Tường giao khoán 8,7ha đất vườn điều ở thôn Chánh Liêm. Ngay sau đó anh và gia đình đã bắt tay vào cải tạo vườn điều: tỉa cành, tạo tán, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, đồng thời chặt bỏ những cây kém hiệu quả để trồng lại cây mới và trồng thêm cây ở những khu vực còn đất trống… Rút kinh nghiệm qua thực tiễn sản xuất, đồng thời thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do các cấp Hội Nông dân tổ chức nên anh đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình thâm canh, chăm sóc, thường xuyên cải tạo đất và sử dụng các loại phân bón có hiệu quả. Nhờ đó vườn điều của anh phát triển tốt và cho năng suất cao, ổn định.

Hiện tại, vườn điều của gia đình anh có 900 cây đang cho quả, năng suất bình quân mỗi năm từ 8 đến 10 tấn hạt, với giá bán bình quân nhiều năm từ 22.000 – 24.000 đồng/kg, mỗi năm vườn điều đem lại cho gia đình anh thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thu hoạch, gia đình anh còn lãi trên 150 triệu đồng.

Ông Trung chặt bỏ những nhánh điều kém hiệu quả sau thu hoạch

Ngoài ra anh còn nuôi heo và gà ta, mỗi năm anh thả nuôi 3 lứa heo và 3 lứa gà. Mỗi lứa anh thả nuôi 3.000 con gà ta theo hình thức kết hợp giữa nuôi nhốt và nuôi thả, cho ăn thức ăn công nghiệp. Đối với đàn heo, anh nuôi 7 con heo nái để lấy giống. Heo con anh đều để lại nuôi, đồng thời mua thêm con giống để duy trì đàn heo mỗi lứa 60 con và nuôi theo hình thức khép kín, xây dựng hầm biogas để lấy khí đốt phục vụ nhu cầu nấu nướng và đốt lò giữ ấm cho gà con thu nhập từ heo và gà hằng năm trên 250 triệu đồng. Như vậy thu nhập từ trang trại, sau khi trừ chi phí, mỗi năm còn lãi trên 400 triệu đồng, nhờ đó kinh tế của gia đình ngày càng phát triển, anh có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang và lo cho các con đầy đủ.

Anh Huỳnh Văn Trung chia sẻ: “Bản thân tôi thường xuyên tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm hay và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, đồng thời rút kinh nghiệm qua thực tế nhiều năm, tôi nhận thấy để cho vật nuôi phát triển tốt thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, con giống phải chuẩn, sạch bệnh và chất lượng; thứ hai là phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo định kỳ và thường xuyên tiêu độc, sát trùng vệ sinh chuồng trại”. Nhờ vậy, đàn gà và đàn heo của gia đình anh luôn phát triển tốt và rất ít dịch bệnh. Tại nhiều thời điểm, nhất là vào những đợt sau Tết nguyên đán, trong khi nhiều hộ chăn nuôi phải điêu đứng vì dịch cúm gia cầm bùng phát thì đàn gà của gia đình anh vẫn an toàn và phát triển tốt.

Bên cạnh với việc phát triển kinh tế gia đình, mô hình kinh tế tổng hợp của anh còn giải quyết việc làm ổn định cho một số lao động tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn động viên, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con quanh vùng, để có nhiều gia đình biết làm kinh tế, cùng làm giàu. Gia đình anh luôn thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân ở địa phương, tham gia hội họp, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Gia đình anh luôn đạt gia đình văn hóa xuất sắc nhiều năm liền.

Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Tường: “Mô hình kinh tế của anh Trung khá đa dạng, đạt hiệu quả kinh tế cao. Hội sẽ tổ chức cho nông dân trong xã đến tham quan, học tập để ngày càng có nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn xã”.

Với sự nỗ lực trong thực hiện mô hình kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi của gia đình anh Huỳnh Văn Trung đang là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.

Lương Ngọc Tấn

Hội Nông dân huyện Phù Cát, Bình Định