Trước đây, kinh tế gia đình chị Thông thuộc diện khó khăn, chồng đi bộ đội mới về, nghề nghiệp - đất đai không có, các con đang còn nhỏ, mọi chi phí chỉ trông chờ vào thu nhập từ mấy sào ruộng lúa trên chân đất cát bạc màu. Với bản tính siêng năng và quyết tâm không khuất phục trước đói nghèo, chị Thông luôn trăn trở tìm cách để đưa kinh tế gia đình đi lên. Đang loay hoay tìm hướng đi riêng cho gia đình thì năm 1996, hợp tác xã nông nghiệp Cát Lâm bán thanh lý một số diện tích điều kém hiệu quả. Sau khi bàn tính, vợ chồng chị đã vay mượn được hơn 11 triệu đồng mua lại 5ha đất đồi gò cằn cỗi với 230 gốc điều kém hiệu quả. Có đất – có cây, đồng thời nhờ tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các lớp tập huấn, hưỡng dẫn kỹ thuật của các hội, đoàn thể và những mô hình sản xuất có hiệu quả,  chị đã cùng gia đình tập trung chăm sóc - cải tạo lại vườn điều như tưới nước – bón phân, tỉa cành tạo tán… Nhờ vậy, vườn điều của gia đình chị đã khôi phục, phát triển tốt và cho thu hoạch đều, mỗi năm cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau một thời gian, cây điều bị nhiễm bệnh nên năng suất không cao, chị đã quyết định chặt bỏ diện tích điều kém hiệu quả để cải tạo lại, đưa một số diện tích vào trồng dưa hấu mỗi năm từ 1 đến 2 vụ tùy theo điều kiện thời tiết và nhu cầu thị trường, đồng thời kết hợp trồng đậu phụng (lạc), đậu nành, bắp lai (ngô lai)…; diện tích còn lại, chị đầu tư trồng mỳ (sắn) và một số loại cây ăn trái khác như dừa xiêm, xoài cát Hòa Lộc, bưởi… Nhờ nắm bắt được cơ cấu mùa vụ cũng như đưa các giống mới có năng suất cao và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình thâm canh chăm sóc nên diện tích sản  cây trồng và hoa màu của gia đình chị đều phát triển tốt và cho năng suất ổn định ở mức cao.

Bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý giúp ổn định thu nhập của gia đình

Đặc biệt, khoảng năm 2000 khi Nhà nước triển khai thực hiện dự án trồng rừng, gia đình chị chặt bỏ dần cây điều để đầu tư trồng keo lai và bạch đàn. Nhờ đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và thích nghi với điều kiện đất đai ở địa phương nên diện tích rừng trồng của gia đình phát triển tốt và sau mỗi chu kỳ 5 đến 7 năm cho thu hoạch một lần với thu nhập sau khi trừ chi phí còn lãi trên 80 triệu đồng/ha.

Có thu nhập, anh chị đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất và mua thêm 1,5 ha đất để trồng rừng nâng tổng diện tích đất trồng rừng của gia đình đến nay lên 6,5 ha và tất cả đều đã cho thu hoạch từ 2 đến 3 lứa. Ngoài ra, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và diện tích đất trống sau khi thu hoạch cây trồng cạn, chị Thông còn mua bò về nuôi. Hiện đàn bò của gia đình chị có 9 con, không những tạo nguồn phân chuồng để bón cho cây trồng mà mỗi năm số bê con đẻ ra bán được trên 30 triệu đồng. Nhờ đó, tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình mỗi năm trên 150 triệu đồng, chị có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các vật dụng đắt tiền, lo cho các con ăn học đầy đủ và kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Không những làm kinh tế giỏi, chị Nguyễn Thị Thông còn tham gia tích cực các phong trào và hoạt động xã hội ở địa phương. Đã có nhiều người đến mô hình sản xuất của gia đình chị để tham quan, học tập. Với kinh nghiệm và vốn hiểu biết của mình, chị luôn nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn để mọi người cùng học tập, áp dụng vào sản xuất có hiệu quả.                                                                                 

Trường Giang