Năm 2013, anh Hùng từ vùng quê Bến Tre lên xã Rô Men lập nghiệp. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, anh chỉ mua được 3 sào đất canh tác đã trồng sẵn cà phê. Nhận thấy giá cà phê không ổn định nên anh đã bàn với vợ chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng bưởi da xanh trên vùng đất Đam Rông, anh Hùng cho biết: Trước khi xuống giống, anh tiến hành đào hố có kích thước dài 60 cm x rộng 60 cm x sâu 60 cm; sau đó ủ phân hữu cơ, kali, vôi, thuốc chống mối, rồi lấp đất, tưới nước. Sau khoảng thời gian một tháng thì bắt đầu trồng cây giống. Bưởi được trồng với khoảng cách 1,5 x 2 m. Vào mùa khô cần thường xuyên tưới nước cho cây; mùa mưa đào rãnh thoát nước. Khi cây lớn, cắt tỉa cành tạo các hướng xung quang để cây ra trái đều. Bước đầu, anh trồng xen diện tích bưởi vào diện tích cà phê, khi cây bưởi lớn, anh bắt đầu chặt bỏ cây cà phê để chăm sóc cây bưởi.

Anh Hùng đang thu hoạch bưởi da xanh

Anh Hùng chia sẻ thêm: “Để cây bưởi nhanh phát triển, việc lựa chọn những cây giống khỏe, sạch bệnh, không bị sâu bệnh, có sức đề kháng cao là hết sức quan trọng”. Chính vì vậy anh đã trực tiếp đi lựa chọn và mua cây giống ở Bến Tre về trồng. Cây giống có chiều cao cây trên 60 cm tính từ mặt bầu, đường kính gốc ghép cách mặt bầu 10 cm và đường kính cành ghép phải lớn hơn 0,7 cm.

Trong quá trình chăm sóc, anh thường mua các loại phân đơn như phân lân, SA…, các nguyên tốc trung vi lượng như đồng, kẽm, magiê, trộn lại với nhau để bón cho cây nên cây hấp thụ được phân bón, sinh trưởng, phát triển rất tốt.

Việc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây bưởi da xanh cũng như các loại cây ăn trái khác, các đối tượng sâu bệnh thường xuất hiện như sâu đục gốc, thân, cành, sâu hại hoa, rệp sáp, bệnh thối quả... Chính vì vậy, từ khi cây bắt đầu ra hoa phải tiến hành các biện pháp phun xịt, phòng trừ sâu bệnh cho cây, hoa, quả. Khi quả bưởi lớn bằng quả trứng, dùng túi ni-lông bao quả lại để phòng trừ côn trùng chích hút gây hại. Khi cây bưởi phát đọt non, anh Hùng phải dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ bọ xít, rầy gây hại. Khi cây có trái, chỉ cần xịt thuốc phòng bệnh một lần/tháng cho cây.

Sau hơn 6 năm đầu tư chăm sóc, đến nay gia đình anh đã trồng được hơn 300 cây bưởi da xanh. Đặc điểm nổi bật là cây bưởi da xanh cho thu quả quanh năm, mỗi cây cho thu từ 60 - 70 quả, với trọng lượng từ 1,5 - 3 kg/quả, giá bán tại vườn dao động từ 35 - 50 ngàn đồng/kg. Mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư, anh thu về hơn 120 triệu đồng. Ngoài ra, anh Hùng còn chiết cành cung cấp giống bưởi da xanh và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con nông dân có nhu cầu.

Mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình anh Hùng là mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn xã Rô Men. Đây là cây trồng bước đầu cho thấy phù hợp với điều kiện tự nhiên và tiểu vùng sinh thái trên địa bàn xã Rô Men. Tuy nhiên, để tránh tình trạng phát triển ồ ạt một cách tự phát, bà con nông dân nên tham khảo ý kiến của các đơn vị chuyên môn như Phòng Nông nghiệp huyện, Trung tâm Nông nghiệp huyện… để được tư vấn sản xuất, phù hợp với quy hoạch của huyện và trên những vùng đất thích hợp. Đồng thời, các hộ dân cần liên kết với nhau trong việc trồng và cung cấp trái cây ra thị trường; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bưởi da xanh, có như vậy, cây bưởi da xanh mới trở thành cây trồng mang lại thu nhập cao và bền vững cho bà con.

Bùi Hằng

TT Khuyến nông Lâm Đồng