Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề nông anh Phan Đình Thắng thấu hiểu sự vất vả, khó khăn của nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Tuy nhiên, không giống như bao người học để thoát li lên thành phố, mà anh lựa chọn con đường học để gỡ khó cho nông dân. Năm 2006, anh tốt nghiệp Khoa Khuyến nông, trường Đại học Nông Lâm Huế và được tiếp nhận vào Trung tâm ứng dụng và chuyển giao KHCN giống cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc. Từ đó đến nay anh luôn là tấm gương tiên phong công tác và phong trào làm kinh tế nông nghiệp của huyện Can Lộc.

Anh chia sẻ, sau khi được tiếp nhận vào Trung tâm, quá trình hướng dẫn, hỗ trợ bà con trong sản xuất đã cuốn anh vào niềm đam mê làm kinh tế nông nghiệp và yêu nghề hơn. Anh nhận thấy, cán bộ muốn nói để dân nghe, hướng dẫn người dân làm giàu đúng hướng thì phải có kiến thức thực tế. Vì vậy, anh bắt tay vào xây dựng các mô hình kinh tế vừa là để tăng nguồn thu nhập vừa để học tập kinh nghiệm, trau dồi năng lực công tác. Năm 2009, để nâng cao trình độ lý luận, thực tiễn anh tiếp tục học lên cao học. Vừa làm, vừa học, học ở trường học, học từ đồng nghiệp, học từ ruộng vườn và từ bà con nông dân, anh đã tích cóp nhiều kiến thức đủ để nói dân nghe và làm theo.

Năm 2010, khi Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai, nhiều mô hình chăn nuôi được xây dựng, môi trường chăn nuôi và sinh hoạt được quan tâm chú trọng. Để góp phần thành công của chương trình và bảo vệ môi trường trong sạch cho vùng quê, anh đã mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác (THT) Môi trường xanh với 4 thành viên để sản xuất men vi sinh xứ lý nước và rác thải trong sinh hoạt, chăn nuôi. Sản phẩm đã được bà con đón nhận và tin dùng. Dưới sự dìu dắt của anh, đến nay, THT đã chuyển đổi và thành lập HTX với 7 thành viên có mức thu nhập ổn định từ 20-30 triệu đồng/người/năm.

Khi sản xuất nông nghiệp không mang lại nhiều giá trị, người dân bắt đầu bỏ ruộng, chính sách hỗ trợ cho thuê đất sản xuất kém hiệu quả và tích tụ ruộng đất được ban hành, anh đã mạnh dạn thuê 2 ha tại vùng Trà Sơn, Can Lộc để làm trang trại. Sau khi cải tạo và quy hoạch, anh bắt tay vào trồng cây ăn quả (cam, thanh long, ổi, mít, dưa hấu, dưa lê…), xây dựng chuồng trại chăn nuôi (lợn, bò…). Bên cạnh đó, anh thuê 30 sào đất của các hộ dân và Trung tâm ứng dụng để thâm canh lúa. Với năng lực và trình độ sẵn có anh nhanh chóng tiếp cận giống mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nên mô hình nào cũng cho kết quả cao. Hiện anh đang tiếp tục làm hồ sơ thuê lại 200 sào đất lúa của xã Thiên Lộc để sản xuất cánh đồng mẫu. Từ lao động đã thôi thúc sự sáng tạo trong anh và anh đã sáng chế thành công chiếc máy phun thuốc trừ sâu với công suất 3 phút/sào. Hiện chiếc máy đã được anh chuyển lại cho người bạn để đi phun thuốc thuê quanh vùng.

Nhanh chóng tiếp cận các chính sách, bắt kịp xu thế phát triển là yếu tố quan trọng để làm kinh tế. Năm 2019, anh tiếp tục thành công với mô hình sản xuất trong nhà lưới. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, các tác động của môi trường, dịch bệnh được kiểm soát tốt và quá trình chăm sóc được thực hiện đúng quy trình nên năng suất đạt cao, ổn định. Với diện tích 1.200m2, mỗi năm, anh sản xuất 2 vụ dưa lưới vào mùa nắng và 1 đến 2 vụ dưa chuột vào mùa lạnh đã mang lại nguồn thu nhập ước tính đạt trên 250 triệu đồng/năm.

Mô hình sản xuất dưa trong nhà lưới của anh Phan Đình Thắng

 

Khi sản xuất có hiệu quả thì vấn đề tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, đó là thực trạng chung của nông sản. Trăn trở, suy nghĩ, cuối cùng anh quyết định mở Cửa hàng hoa quả Luận Thắng nhằm tiêu thụ sản phẩm của gia đình, hỗ trợ cùng bà con và hơn hết là quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản của huyện Can Lộc.

“Dám nghĩ, dám làm và luôn đi đầu trong các phong trào, đó là anh. Không những đi đầu trong ứng dụng KHCN phát triển kinh tế gia đình mà trong công tác anh là người tâm huyết, luôn sát sánh cùng bà con gỡ những nút thắt xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn huyện”. Đó là nhận xét của chị Võ Thị Loan - Giám đốc HTX Loan Việt, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, một điển hình kinh tế của huyện, là một trong những người được anh hỗ trợ, đồng hành trong xây dựng và phát triển mô hình kinh tế.

Khi được hỏi: “Hiện nay, một số các sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học lựa chọn con đường về quê lập nghiệp bằng các mô hình kinh tế nông nghiệp, anh có lời khuyên gì cho họ?”. Anh trả lời: “Đó là những ý tưởng đáng trân trọng. Tuy nhiên thành công từ nông nghiệp không dễ vì nó chịu nhiều tác động khách quan, khó lường và khó kiểm soát. Vì vậy, khi mới ra trường, các em nên vào làm việc tại các công ty về lĩnh vực nông nghiệp một thời gian để có kinh nghiệm hoặc nếu về làm ngay thì phải đầu tư từ từ. Đồng thời, phải hạch toán kinh tế làm sao kiểm soát, khống chế nguồn chi ở mức tối thiểu mới đảm bảo được sản xuất, kinh doanh luôn có lợi nhuận. Muốn phát triển bền vững thì sản xuất phải lấy chất lượng làm đầu, kinh doanh lấy chữ tín làm trọng. Và quan trọng là không nản chí khi thất bại. Hiện nay, doanh thu của gia đình anh đạt trên 1 tỷ đồng/năm, tuy nhiên có được thành công đó, anh cũng đã trải qua những lần thất bại, nếm nhiều trái đắng, có khi mất hơn 200 triệu đồng đầu tư mà không có một đồng thu nhập nào.”

 Trao đổi cùng Giám đốc Trung tâm Ứng dụng chuyển giao KHKT giống cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc - anh Phan Xuân Phượng đã dành cho anh Thắng những lời khen hết mực: “Anh Phan Đình Thắng là một cán bộ, đảng viên có tầm nhìn, bắt nhịp được xu thế phát triển, nói đi đôi với làm, nói được làm được, tiên phong trong công việc, biết vận dụng lý thuyết vào thực tiễn để tạo uy tín nghề nghiệp, hỗ trợ tích cực cho bà con phát triển kinh tế từ nông nghiệp. Anh là tấm gương sáng cho nhiều cán bộ học tập, noi theo ”.

Kim Thịnh

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh