Anh Trường có niềm đam mê với hoa lan từ nhỏ. Ban đầu anh chỉ là chơi lan cho vui, anh hay sưu tầm các giống hoa lan rừng trong tỉnh Đắk Nông và một số tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Đồng Nai, Lâm Đồng. Khi thời đại công nghệ thông tin phát triển, những phần mềm như zalo, facebook được sử dụng nhiều, theo xu hướng chung anh cũng tham gia vào nhóm yêu thích lan; hội trao đổi, mua bán hoa lan… để có thể thỏa mãn niềm yêu thích lan đồng thời cũng học hỏi thêm các kinh nghiệm từ bạn bè chơi lan khắp cả nước. Bên cạnh đó anh cũng có thể kiếm thêm thu nhập kha khá từ việc trao đổi, mua bán mặt hàng này. Anh Trường nhận thấy nhu cầu thưởng thức hoa lan ngày càng phát triển, đa dạng và phong phú. Trong khi đó nếu đầu tư trồng hoa lan không tốn nhiều không gian, diện tích và thời gian chăm sóc nhưng lại có thể mang về hiệu quả vô cùng lớn.

Nắm bắt với nhu cầu của thị trường, năm 2015 anh chính thức bắt đầu với công việc trồng, kinh doanh hoa lan. Ban đầu vườn lan nhà anh chỉ khoảng vài chục mét vuông, nay đã được anh mở rộng ra diện tích khoảng 500m2. Giống lan cũng được anh nhập từ nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước, ngoài ra anh cũng mạnh dạn nhập thêm các giống lan từ các nước bạn như Đài Loan, Thái Lan. Đến nay vườn lan của anh có số lượng khoảng 3.000 chậu gồm hơn 100 loài lan các loại như các giống giả hạc: di linh xuân, hawai, năm cánh trắng Phú Thọ, năm cánh trắng Hòa Bình…; long tu; giáng hương; thủy tiên, kim điệp, trầm rồng đỏ…

Anh Trường giữa vườn lan của mình

Đến thăm quan vườn lan của anh Trường, tôi thực sự bị cuốn hút bởi các giò, chậu lan xanh tươi tràn đầy sức sống. Nhà trồng lan được anh thiết kế khung sắt cao 6m, trên mái được lợp lưới xanh, lưới đen che 50% ánh sáng. Giàn treo lan được anh thiết kế cách mặt đất từ 3-4 (m), các chậu lan thường cùng cỡ. Những loại cùng giống, cùng độ tuổi được anh bố trí theo từng khu vực để dễ chăm sóc; khoảng cách giữa các giò lan được sắp xếp hợp lý để tất cả các giò đều nhận được lượng ánh sáng đồng đều. Đây là bí quyết anh tự đúc rút được so với những lần thất bại trước đây. Anh Trường cho biết, thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên giàn lan anh thiết kế cao từ 2m-2,5m, khoảng cách giữa các chậu gần sát nhau nên lan thường phát triển chậm, hay xảy ra tình trạng úng nước, thối nhũn.

Để lan phát triển tốt, ít bị bệnh, theo anh Trường cần có chế độ chăm sóc hợp lý. Đối với chế độ nước tưới cho lan phải dựa vào tình hình thời tiết, tình trạng của cây. Trước hết, nước tưới phải sạch. Vào mùa khô, anh thường tưới phun sương cho lan 2 lần mỗi ngày, buổi sáng sẽ tưới vào thời điểm 7h sáng, buổi chiều tưới vào lúc 16h hàng ngày, nếu hôm nào trời còn nắng gắt thì anh sẽ tưới muộn hơn. Theo anh Trường nếu tưới nước cho lan vào thời gian nắng nóng hơi nước nóng bốc lên lá sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây. Nếu thời tiết mát mẻ thì có thể 1 ngày tưới 1 lần, hoặc 3-4 ngày mới tưới 1 lần. Đặc biệt, sau những trận mưa bất thường, nhất là những cơn mưa đầu mùa anh Trường sẽ tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá.

Về chế độ bón phân: phân dê và phân tan chậm anh sẽ bón 1 lần và được cây sử dụng liên tục trong nhiều tháng, lúc nào hết phân anh sẽ bổ sung tiếp. Bên cạnh đó anh còn sử dụng thêm loại phân hóa học chuyên dùng cho lan, loại phân được anh Trường sử dụng là phân Tricho Vic nhập khẩu từ châu Âu. Với phân này anh Trường sử dụng định kỳ 10 ngày 1 lần bằng cách phun lên bề mặt lá.

Để phòng trừ bệnh trên lan, cứ 3 tháng/lần anh sẽ phun xịt vôi cho toàn bộ vườn lan. Với kinh nghiệm hơn 3 năm trồng anh cho biết vườn nhà anh bệnh thường chỉ xuất hiện vào mùa mưa, chủ yếu là bệnh thối nhũn, đốm lá. Để kiểm soát mầm bệnh, vào mùa mưa anh tiến hành phun phòng nấm bệnh định kỳ 2 tháng/lần. Nếu quan sát vườn phát hiện 1 vài cây có biểu hiện bệnh anh sẽ cách ly các cây bệnh ra khu vực riêng và đồng thời phun thuốc phòng bệnh cho toàn bộ vườn lan. Đối với những cây bị bệnh sau khi được cách ly sẽ phải cắt nước, sau đó phun trị nấm bằng các loại thuốc như Aliete, Ridomin; phun liên tục 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần thì cây sẽ hết bệnh và được đưa trở lại vào khu vực chăm sóc như những cây bình thường khác.

Thu nhập từ việc bán hoa lan các tháng trong năm thường không đồng đều, cũng tùy thuộc vào loại lan, số lượng lan xuất bán. Có những thời điểm anh bán chậu lan quý cùng thêm những loại lan khác mang thì thu nhập mỗi tháng có thể hơn trăm triệu đồng, nhưng cũng có tháng thì chỉ xuất bán được vài ba triệu. Thông qua mạng xã hội nên khách hàng mua lan của anh cũng từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hiện tại anh có vài mối lấy sỉ hoa lan với số lượng lớn nên anh không phải băn khoăn về đầu ra. Bình quân mỗi tháng với diện tích vườn lan 500m2  cũng mang lại thu nhập khoảng 15 triệu đồng cho gia đình anh. Mặc dù theo anh Trường thì việc trồng lan là công việc làm thêm của gia đình nhưng trước mắt hiệu quả mang lại có thể nói là không nhỏ với người nông dân, đặc biệt là bà con nông dân ở huyện nghèo Đắk Glong. Bởi lẽ, người nông dân ở tỉnh Đắk Nông nói chung và huyện Đắk Glong nói riêng phần lớn chủ yếu canh tác cây tiêu, cây cà phê, cao su… nhưng hiện tại giá cả của những mặt hàng nông sản này đang giảm khá thấp so với các năm trước khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, gây khó khăn không nhỏ cho đời sống của bà con.

Về kế hoạch sắp tới, anh Trường cho biết anh sẽ đầu tư hệ thống tưới nước phun sương kết hợp với kỹ thuật bón phân tự động. Với diện tích không gian còn trống bên dưới anh sẽ lắp thêm các giàn để nhân giống lan. Với niềm đam mê hoa lan cùng với tư duy dám nghĩ, dám làm, chịu khó cập nhật và áp dụng những tiến bộ khoa học của anh Trường, tôi hi vọng mô hình trồng hoa lan của anh chàng tuy tuổi còn trẻ nhưng chí lớn này cần được nhiều người biết đến và khuyến khích nhân rộng.

Bà con ai có nhu cầu tìm hiểu về mô hình hoa lan rừng của anh Phạm Xuân Trường có thể đến tham quan vườn nhà anh tại thôn 2, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Hoặc liên lạc với anh theo số điện thoại: 01686449080.

Trần Thị Thanh Nhàn

Trạm Khuyến nông huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông