Anh Sinh sinh năm 1971, ngụ ở đội 11 – xã Thanh Hưng – huyện Điện Biên, sau khi lập gia đình (năm 1997), thấy cuộc sống thôn quê vất vả, đôi vợ chồng trẻ phải xoay sở làm đủ nghề nhưng cuộc sống gia đình vẫn vất vả, chẳng để dư ra đồng nào, vợ chồng anh quyết định lên Tây Bắc (Lai Châu) lập nghiệp.


Lúc đầu do chưa quen phương thức làm ăn nên hai vợ chồng cũng đi làm thuê để kiếm sống và tích lũy được chút vốn liếng. Nhưng đúng thời gian ấy vợ chồng anh sắp đón tin vui vì vợ anh sinh em bé. Niềm vui về mái ấm gia đình hạnh phúc đã thôi thúc anh phải phấn đấu bằng mọi giá dù có khó khăn đến đâu anh cũng quyết tâm làm bằng được.


Nhờ người quen giới thiệu vợ chồng anh vào Đội 11 – xã Thanh Hưng mua được 4.000 m2 đất, lúc đầu vợ chồng anh trồng lúa, đào ao thả cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày, nuôi 5 con lợn thịt, và 1 con lợn nái. Cuộc sống của anh càng ngày càng vất vả khi 2 cháu nhỏ lần lượt ra đời, chính vì vậy vợ chồng anh càng phải lo nghĩ nhiều hơn.


Năm 2008, vợ chồng anh mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng của ngân hàng nông nghiệp và ngân hàng chính sách của huyện để đầu tư vào chăn nuôi. Anh đầu tư xây dựng cơ ngơi chuồng trại rộng 500 m2, qui mô 15 con lợn nái, một năm đàn lợn nái của anh đẻ 2 lứa, mỗi lứa có khoảng 150 con lợn thịt, anh giữ lại nuôi, không bán giống lợn con. Trong khi không ít hộ nông dân trong bản, xã bỏ chuồng vì sợ dịch bệnh, giá bán lợn bấp bênh, giá thức ăn cho lợn leo thang thì anh Sinh vẫn kiên trì chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình. Quy mô trang trại được xây dựng, quản lý một cách khoa học: Khu chuồng lợn được chia thành nhiều khu riêng biệt gồm khu chuồng chăn nuôi lợn nái sinh sản, khu chuồng chăn nuôi lợn hậu bị và khu chuồng chăn nuôi lợn thịt thương phẩm.

 


Anh Sinh chia sẻ: Làm nghề chăn nuôi rất khó, do vậy anh rất hay nghe đài, báo ti vi và các số báo chuyên mục Khuyến nông của tỉnh và được đi thực tế thăm quan một số mô hình trong và ngoài tỉnh. Đàn lợn, nhất là lợn nái cần được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe để đạt chất lượng lợn giống tốt nhất và lợn thương phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi con lợn ngay từ khi bắt đầu nuôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh. Trung bình mỗi tuần một lần anh phun khử trùng toàn bộ khu chuồng trại. Đồng thời định kỳ mỗi tháng hai lần anh phun thuốc khử mùi bảo đảm cho chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh.


Để có nguồn thức ăn đảm bảo, anh Sinh mua tại các đại lý cấp 1 của thành phố Điện Biên và ký hợp đồng với hãng thức ăn gia súc có uy tín ở Hà Nội và Thái Bình, nhờ vậy mà trang trại chăn nuôi của gia đình anh Sinh luôn phòng tránh được dịch bệnh, lợn giống và lợn thương phẩm của gia đình anh luôn bán được giá bởi thương lái và hộ chăn nuôi tin tưởng vào chất lượng. Doanh thu bình quân của trang trại trong năm 2013 đạt tới 700 - 800 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi 120 triệu đồng/năm.


Ngoài ra, tận dụng ao nuôi, anh Sinh nuôi 1.000 con vịt đẻ lấy trứng, một ngày thu được 900 quả, giá bán đổ buôn cho các thương lái 2.500/quả, trừ chi phí thức ăn anh thu lãi 500.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, nguồn phân lợn còn được anh tận dung để nuôi các loại cá (với diện tích 1.800 m2) như cá rô phi, cá trắm, cá trôi, mỗi năm anh thu lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng. Tổng thu nhập từ mô hình chăn nuôi tổng hợp sau khi trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng.


Không chỉ làm giàu cho gia đình mà vợ chồng anh còn tạo điều kiện cho 4 hộ gia đình trong Đội (bản) có công ăn việc làm ổn định, với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Gia đình anh Sinh còn có nhiều đóng góp trong việc xây dựng phong trào chăn nuôi tổng hợp theo mô hình trang trại có hiệu quả ở địa phương. Anh Sinh đã giúp đỡ nhiều gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn bằng lợn giống, vịt giống, cá giống và kinh nghiệm chăn nuôi. Việc làm của anh Sinh góp phần mang lại thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho nhiều gia đình hội viên nông dân trong xã.

 


Hoàng Khắc Tân
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên