Điểm đặc biệt của mô hình là tạo một dòng sông luôn chảy trong một hồ nước tĩnh. Anh Dũng nuôi 8000 con cá gồm 7000 cá trắm và 1000 cá chép trong bể có chiều dài 25m, rộng 5 m, độ sâu 2m (mức nước 1,7m). Chi phí xây dựng hệ thống bể nuôi, các thiết bị  cần thiết để tạo “sông” hết khoảng 140 triệu đồng.

Theo chủ hộ, trong suốt quá trình nuôi cá hầu như không bị bệnh, hiện tượng cá chết do thiếu oxy nuôi trong hồ theo cách truyền thống không còn, tỷ lệ nuôi sống đạt 99%. Thức ăn cho cá chủ yếu là bèo lục bình thái nhỏ, bổ sung thức ăn viên, cho ăn 2 bữa/ngày. Đàn cá lúc thả là 24 con/kg, sau 2,5 tháng nuôi đã đạt 7 con/kg, dự kiến sau 6 tháng nuôi cá sẽ đạt 3 kg/con. Tổng sản lượng cá thu hoạch dự kiến đạt ít nhất 20 tấn, cao hơn ít nhất 3-4 lần so với cách nuôi truyền thống.

Đoàn cán bộ khuyến nông thăm mô hình nuôi cá theo hệ thống "sông trong ao"

Công nghệ nuôi cá "sông trong hồ" là một công nghệ nuôi trồng thủy sản mới đã được áp dụng thành công ở Mỹ và Israel. Với công nghệ này, người nuôi chủ động nguồn nước, nước trong ao không cần thay mà có thể tuần hoàn. Khi đưa cá vào nuôi đến một mức độ ổn định, cân bằng giữa các loài nuôi và tự làm sạch môi trường thì sẽ hình thành hệ sinh thái ổn định. Thức ăn thừa và chất thải của cá được thu trở lại và được xử lý qua hệ thống biogas. Nước sau khi lắng lọc sẽ được trở lại hệ thống ao nuôi. Chất thải và thức ăn thừa có thể được làm sạch bằng chế phẩm sinh học hoặc dùng để làm phân bón. Mặt khác hệ thống máy nén đưa không khí nén qua hệ thống máng độn dưới đáy ao và đẩy từ dưới lên mặt ao. Hiện tượng oxy hóa làm cho khí độc bay lên. Khí nén ở đáy ao cũng tạo ra dòng chảy và đẩy các khí độc khỏi đáy ao. Thay vì phải thay nước trong ao nuôi như trước kia, hệ thống này không thay và thải nước ra ngoài, tránh được lây lan mầm bệnh sang các trang trại khác và ra môi trường xung quanh.

Theo cán bộ khuyến nông huyện Phú Thọ - người phụ trách mô hình, trước đây khi nuôi cá theo kiểu truyền thống thì tỷ lệ cá hao hụt nhiều do nguồn nước chưa được xử lý đầu vào, chỉ một vài con cá bị bệnh có thể lây lan cả ao, khi cá mắc bệnh rất khó điều trị dứt điểm. Người nuôi cũng rất khó kiểm soát độ lớn cũng như số lượng cá. Hơn nữa, thức ăn cho cá cũng chỉ có thể ước tính chứ chưa có định lượng nên gây lãng phí. Nếu cho cá ăn nhiều thì sẽ đọng lại và gây ra những vi khuẩn không có lợi có thể phát sinh nguồn bệnh. Việc thu hoạch cũng gặp nhiều khó khăn nhất là lúc thời tiết bất lợi. Chi phí cho thu hoạch cũng cao vì phải đánh bắt cả ao rộng lớn. Quá trình thu hoạch sẽ sót nhiều cá lớn nên đợt thả tiếp theo cá bé dễ bị ăn thịt. Với mô hình mới này, cá sẽ được nuôi trong phạm vi của bể đã xây chứ không nuôi toàn ao. Máy bơm ở đầu bể sẽ đẩy nước luôn luôn lưu thông một chiều. Khi nước chảy liên tục, cá trong bể hình thành thói quen bơi ngược dòng 24/24 giờ nên luôn luôn vận động. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp cho thịt cá săn chắc hơn so với nuôi trong toàn ao. Nhờ nuôi trong phạm vi bể này nên có thể kiểm soát tốt thức ăn, không để vung vãi sinh vi khuẩn có hại. Tuy nhiên để làm tốt mô hình này cần chú ý đảm bảo tốt lượng thức ăn cho cá, thường thì lượng thức ăn cho cá trong sông bằng khoảng 3% khối lượng cá. Chất lượng thức ăn cần protein và năng lượng cao hơn nuôi cá truyền thống 5% vì cá thường xuyên phải vận động, bơi ngược dòng. Nguồn điện cung cấp đảm bảo 100% trong suốt quá trình nuôi, máy phát điện nên vận hành thử ít nhất 1 lần/tuần để phòng khi mất điện. Bộ lọc máy thổi khí cần vệ sinh thường xuyên. Ống sục khí cần làm sạch sau 90 ngày nuôi. Mắt lưới ở cổng chắn nên cọ rửa 1-2 lần/tuần.

Nguyễn Văn Bắc

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia