An Phước là xã có diện tích lúa hàng năm trên 400 ha, cây ăn trái 350 ha, ngoài ra còn các cây trồng khác như mì, rau, đậu các loại… Các câu lạc bộ năng suất cao được thành lập nhằm giúp bà con nông dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho gia đình mình

Tính đến nay, so với hơn 40 câu lạc bộ năng suất cao về cây trồng và vật nuôi được thành lập từ năm 2005 của huyện Long Thành thì câu lạc bộ IPM xã An Phước được thành lập khá sớm. Lễ ra mắt của câu lạc bộ IPM xã An Phước được tổ chức vào ngày 21/11/2002 theo quyết định thành lập của UBND xã với tổng số 28 thành viên tham gia. Đây là một tổ chức tự nguyện của các hội viên nông dân, câu lạc bộ được điều hành bởi Ban chủ nhiệm do các thành viên trong câu lạc bộ bầu ra..

Bí quyết cho “sức khỏe” dẻo dai của câu lạc bộ IPM xã An Phước tưởng chừng đơn giản nhưng không phải câu lạc bộ nào cũng làm được. Để có kinh phí hoạt động, các thành viên tự nguyện đóng góp với mức 50.000 đồng/người/tháng. Số tiền tích lũy được sẽ cho các thành viên trong câu lạc bộ có nhu cầu sản xuất vay với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng. Trong hoạt động của mình, Ban chủ nhiệm luôn đề ra quy chế, phương hướng hoạt động, quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể của các thành viên tham gia.

Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ vào ngày 25 hàng tháng. Địa điểm sinh hoạt không cố định mà xoay vòng nhà của các thành viên. Nội dung sinh hoạt rất phong phú, đa dạng, linh hoạt, luôn được Ban chủ nhiệm chuẩn bị chu đáo. Đó có thể là thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc thông tin nội bộ của chính quyền địa phương về các mặt an ninh, đời sống, sản xuất nông nghiệp, văn hoá, các thông tin về khoa học kỹ thuật nông nghiệp, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật về các chuyên đề như: bảo vệ thực vật, qui trình kỹ thuật trồng và chăm sóc từng loại cây trồng, vật nuôi… Bên cạnh đó, các thành viên trong câu lạc bộ còn trao đổi kinh nghiệm sản xuất, bàn cách làm giàu… Tài chính của câu lạc bộ cũng được công khai rõ ràng tại buổi sinh hoạt hàng tháng. Hàng năm, câu lạc bộ đều tổ chức tổng kết năm, đánh giá lại kết quả hoạt động, các mặt ưu, khuyết điểm và đề ra phương hướng hoạt động cho năm sau. Bên cạnh đó, câu lạc bộ thường xuyên tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình làm ăn có hiệu quả trong và ngoài tỉnh.

Thời gian đầu mới thành lập, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ có 03 người (1 chủ nhiệm, 1 phó chủ nhiệm, 1 kế toán kiêm thủ quỹ). Sau 12 năm đi vào hoạt động đã thu hút thêm nhiều hội viên nông dân tham gia, số thành viên câu lạc bộ hiện nay là 68 người, vì thế Ban chủ nhiệm cũng tăng lên 5 người (1 chủ nhiệm, 2 phó chủ nhiệm, 1 kế toán và 1 thủ quỹ). Các yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ bắt nguồn từ sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương, đoàn thể và các ngành có liên quan, sự nhiệt tình, năng động của Ban chủ nhiệm, sự tích cực và tôn trọng nội quy, quy chế hoạt động của các thành viên tham gia. Đây rõ ràng là một câu lạc bộ điển hình của địa phương cần học tập và nhân rộng trong bối cảnh có không ít câu lạc bộ cây trồng, vật nuôi hoạt động cầm chừng, èo uột hoặc thành lập cho có.

Võ Thị Mai 

Trạm khuyến nông huyện Long Thành, Đồng Nai