Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo thuần nông, anh Hưng luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để thoát được đói nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình. Với nỗi trăn trở đó, trong 3 năm (từ năm 2006 đến 2008), anh Hưng đã tự khai phá vườn đồi của gia đình rộng gần 2,5 ha và vay mượn của anh em họ hàng để mua giống trồng cam sành. Sau 5 năm trồng, đến năm 2012, cam sành đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên được gần 6,5 tấn quả và bán được gần 130 triệu đồng. Số tiền này anh Hưng dành để trả nợ và một phần để tái đầu tư cho sản xuất. Cứ như vậy, sản lượng cam sành của gia đình anh tăng dần qua từng năm. Trong 2 năm (2016, 2017), sản lượng cam bình quân gia đình anh Hưng thu hoạch mỗi năm khoảng 20 tấn quả với số tiền khoảng 400 triệu đồng. Trong năm 2018, anh dự tính sản lượng cam của gia đình đạt khoảng 23 tấn quả và sẽ có thu nhập vào khoảng 450 triệu đồng.

Bên cạnh đó, để có nguồn phân hữu cơ chăm sóc vườn cam, anh Hưng đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò và lợn. Để chăn nuôi đạt hiệu quả, anh không ngừng tự học hỏi các hộ chăn nuôi gia súc trong vùng và tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc do cơ quan chuyên môn của huyện Bắc Quang triển khai. Từ chăn nuôi, mỗi năm gia đình anh Hưng có thu nhập khoảng 120 triệu đồng.

Anh Hưng chăm sóc đàn bò của gia đình

Do có nguồn đất rộng và nguồn nước tự chảy, từ năm 2015, anh Hưng đã thuê đào gần 8.000 m2 mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản, tận dụng hết các tầng nước để phát triển nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá trắm cỏ, trôi Ấn Độ, chép, mè hoa… Riêng trong nuôi trồng thủy sản, mỗi năm cũng mang lại thu nhập cho gia đình anh Hưng khoảng 110 triệu đồng.

Anh Hưng cho biết: Mô hình kinh tế VAC mang lại nhiều lợi ích như chăn nuôi gia súc sẽ giúp tạo ra nguồn phân hữu cơ để cải tạo đất, tăng năng suất và sản lượng cho cây trồng. Bên cạnh đó, các nguồn lợi phụ từ nuôi trồng thủy sản như tôm, cua, cá nhỏ… là nguồn thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho chăn nuôi lợn…Vì vậy, nếu biết kết hợp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, muốn phát triển chăn nuôi và trồng trọt thành công thì phải luôn trau dồi và học hỏi thêm kiến thức khoa học kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng và tự học hỏi tại những mô hình đã thành công trong vùng; nếu có bị thất bại phải kịp thời rút kinh nghiệm và quan trọng là không được nản trí.

Khi được hỏi về thu nhập, anh Hưng cho biết: Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 600 – 630 triệu đồng từ vườn cam, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.

Từ những thành tích trong phát triển kinh tế theo mô hình VAC, gia đình anh Hoàng Văn Hưng đã được Hội Nông dân huyện Bắc Quang biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen. Đây còn là điểm tham quan học tập của các đoàn nông dân, phụ nữ, thanh niên… trong và ngoài tỉnh Hà Giang trong những năm qua.

 

                                                                Phạm Văn Phú

                                       Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang