Tại đây chúng tôi được tận mắt nhìn vườn bưởi xanh nặng quả đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Những trái bưởi xanh, vàng vươn khoẻ dưới ánh nắng thu nhẹ thật bắt mắt, xua tan cái mệt mỏi cả một đoạn đường dài vài chục cây số.

Ngay tại những tán bưởi râm mát chúng tôi đã cùng thảo luận tìm hiểu về mô hình trồng bưởi của gia đình anh chị Năm. Cả chủ vườn, giáo viên và học viên đã cùng nhau thảo luận sôi nổi, trong khi giáo viên tuyên truyền phổ biến các tiến bộ kỹ thuật trồng và chăm sóc cho bưởi dựa trên cơ sở nghiên cứu thì anh chị Năm lại dựa vào kinh nghiệm từ thực tế sản xuất. Anh chị Năm đã tự tin thể hiện mình là một chủ vườn thực thụ đầy kinh nghiệm trong nghề trồng bưởi.

Dẫn đoàn đi tham quan một vòng chị Năm cho biết: Vườn bưởi đẹp như hiện giờ là nhờ sự quyết tâm đầu tư cải tạo đất từ ruộng cấy lúa kém hiệu quả, san phẳng nền vườn để chuyển thành đất vườn liền kề với nhà ở. Những năm đó rộ lên phong trào tẩy chay hoa quả nguồn gốc của Trung Quốc, người tiêu dùng quay về với các sản phẩm hoa quả nội địa như cam, ổi, bưởi vườn. Lại thêm ý tưởng trồng cây để giữ đất nên anh chị đã quyết định lựa chọn các giống bưởi như bưởi Diễn, da xanh, bưởi ngọt ta để trồng. Sở dĩ anh chị trồng cùng một lúc các giống bưởi trên cùng khu diện tích là để bưởi chín dần sẽ cho thu hoạch theo từng trà, từng lứa, tránh được tình trạng chín đồng loạt phải thu hoạch cùng lúc sẽ khó khăn trong tiêu thụ.

Để quy hoạch gọn vùng gọn thửa và cách ly với bên ngoài, anh chị đã xây tường bao xung quanh toàn bộ diện tích hơn 1ha bằng gạch vững chắc, vừa tạo khuôn viên gọn gàng thẩm mỹ, lại vừa giúp công tác bảo vệ quản lý được thuận lợi an toàn. Đồng thời xây dựng hệ thống kênh mương, lặt đặt hệ thống máy bơm với những đường ống dẫn chạy dài để chủ động nguồn nước tưới tiêu. Bên cạnh đó để trồng bưởi được hiệu quả và chất lượng, anh chị đã tự tìm hiểu học hỏi kỹ thuật từ nhiều nguồn tài liệu sách báo, mạng và kinh nghiệm nhiều nơi. Thậm chí hàng năm anh chị còn thuê chuyên gia kỹ thuật về tư vấn, làm giúp những khâu kỹ thuật khó như cắt tỉa cành, nhất là phương pháp vịn cành để cành bưởi không bị vống cao, giúp quả tránh được tiếp xúc với ánh nắng gay gắt của mặt trời khiến bị rám, giúp tăng suất, chất lượng quả và cho mẫu mã quả đẹp, cũng như thuận lợi cho việc thu hoạch. Anh chị còn thu gom phân gà từ một số trang trại nuôi gà để ủ phân rồi bón cho cây bưởi.

Tính đến nay anh chị Năm đã có 7 năm trong nghề trồng bưởi. Hiện nay trong vườn của anh chị đã trồng khoảng 300 gốc bưởi đủ các loại được trồng và chăm sóc theo kỹ thuật, nên nhìn vườn bưởi có sự đồng đều về chiều cao, khoảng cách rất khoa học hợp lý.

Anh chị cho biết thêm: Vườn bưởi bắt đầu mới cho thu hoạch từ 2 năm trở lại đây. Khách hàng chủ yếu là người quen, hàng xóm bạn bè đến tận vườn mua trái với giá trung bình 25 -35 nghìn/quả, rồi họ lại giới thiệu khách hàng khác đến địa chỉ vườn của gia đình, nhờ vậy bưởi được tiêu thụ khá ổn định.

Đánh giá về chất lượng bưởi anh chị đã chuẩn bị sẵn vài quả để gọt cho cả đoàn thưởng thức. Kinh nghiệm ăn bưởi là phải  để 2 - 3 ngày sau hái cho xuống nước thì ăn bưởi mới ngon vừa nhiều nước lại vừa ngọt đậm đà. Thực tế nhìn, thực tế ăn, lại trực tiếp nghe giới thiệu từng loại giống bưởi giúp chúng tôi có thể phân biệt được đặc trưng, cảm nhận vị ngon riêng của mỗi loại bưởi, mới thấu hiểu thêm sự ưa chuộng của người tiêu dùng hiện nay. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ cây bưởi là rất lớn. Đây là cơ hội cho các chủ vườn muốn làm kinh tế tăng thu nhập từ cây bưởi.

Đoàn tham quan vườn bưởi của gia đình chị Năm (người đứng thứ hai từ trái sang)

Nói về hiệu quả kinh tế, anh chị xác định tư tưởng những năm đầu chủ yếu là tập trung cho đầu tư cho trang trại, chưa tính toán nhiều đến việc thu lợi nhuận từ cây bưởi. Thậm chí gia đình sẵn sàng biếu, mời khách ăn thử miễn phí để họ thấy được chất lượng quả, tạo uy tín cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sau này.

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam