Đây là phần thưởng cao quý của Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc” đã có thành tích trong phát triển kinh tế giỏi tại địa phương.

Chàng thanh niên người Tày có dáng người nhỏ nhắn nhưng toát lên vẻ nhanh nhẹn, năng động chia sẻ: “Năm 2002, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi không tiếp tục con đường tiến thân bằng việc học, một phần cũng do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Lúc đó ai thuê gì tôi cũng làm từ bốc vác cho đến chăn dê thuê miễn là kiếm ra được đồng tiền phụ giúp thêm bố mẹ trong cuộc sống. Sau một năm chăn dê thuê ngày ngày lẽo đẽo theo sau chúng, tôi nhận thấy và đặt câu hỏi là tại sao người ta từ dưới Hà Nội lên đây làm ăn mà vẫn phát triển kinh tế tốt, trong khi đó mình có đất, có đồi rừng núi đá tại sao mình không chăn nuôi phát triển như họ? Lúc này trong đầu tôi chỉ muốn làm giàu. Không đắn đo nhiều, với lòng quyết tâm nghĩ được thì sẽ làm được, năm 2003, tôi đã vay mượn anh em, ban bè được 3 triệu đồng để đầu tư vào nuôi con dê. Lúc đó tôi mua 2 con mẹ và 5 con con với giá 17.000 đồng/kg”.

Anh Vi Ngọc Tiến vui mừng khi cầm trên tay giải thưởng Lương Định Của năm 2014

Hiểu biết về giống dê cỏ này với anh Tiến ít nhiều cũng biết sau một năm chăn dê thuê. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về con vật này anh cũng đã mày mò nghiên cứu qua tài liệu, sách vở để có thêm kiến thức vào chăn nuôi. Với 13 năm khởi nghiệp khó khăn nhiều hơn là thuận lợi, nhưng bằng ý trí cộng với đức tính cần cù, chịu khó anh đã vượt qua. Đến nay, từ 2 dê mẹ ban đầu anh Tiến thường xuyên duy trì đàn được 45 – 50 con dê. Có những lúc nhiều như năm 2012, đàn dê của anh có tới 150 con. Chăn nuôi dê được cái là nhàn hơn so với nuôi lợn, gà mà còn không tốn kém về thức ăn. Bởi dê là loài ăn tạp đủ loại như: cây rừng, lá rừng,…nên người nuôi chỉ cần tận dụng được bãi chăn thả là đã cho hiệu quả.

Anh Tiến nuôi chủ yếu là giống dê cỏ mà người dân nơi đây vẫn gọi cho cái tên đó là “dê núi đá” với hình dáng nhỏ, thịt săn chắc và thơm ngon, một con xuất bán thương phẩm trung bình chỉ nặng từ 15 - 20kg. Như năm 2014, anh đã xuất bán được 3 tạ dê giống với giá 130.000 – 140.000 đồng/kg và 4 tạ dê thương phẩm, sau khi trừ các khoản chi phí anh thu lợi từ 120 - 130 triệu đồng/năm. Bên cạnh nuôi dê, từ năm 2004 đến nay, tận dụng bãi chăn thả rộng, anh còn nuôi thêm bò. Hiện tại, đàn bò của anh có 7 - 8 con, vào cuối năm 2014 anh xuất bán cho lái buôn 1 con thu được 25 triệu đồng.

Ngoài nuôi dê, bò là bước đi đầu trong khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình. Đầu năm 2012, anh tiến cùng các hộ khác trong thôn xóm được xã cho đi tham quan mô hình trồng cam tại huyện Cao Phong, qua đây anh cũng học tập được nhiều và có ý muốn phát triển thêm cây trồng. Sẵn có vốn trong tay anh Tiến đã mạnh dạn đầu tư và thuê đất trồng của Nông trường Thanh Hà với diện tích 1,5 ha để trồng cây cam. Sau 1 năm trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cam của anh phát triển tốt, đồng đều, hứa hẹn cho thu nhập cao.

Nhờ sự táo bạo và quyết đoán trong làm ăn đến nay cũng đem lại thành công cho anh. Từ mô hình đó mà hàng năm cho gia đình anh thu nhập từ 180 – 200 triệu đồng/năm. Với những kết quả trong phát triển kinh tế anh Vi Ngọc Tiến xứng đáng là 1 trong tổng số 150 nhà nông trẻ xuất sắc cả nước năm 2014 được vinh danh và anh cũng là thanh niên duy nhất tỉnh Hòa Bình đứng trên mục cao nhất để nhận giải thưởng./.

Đình Thủy

Trung tâm khuyến nông Hòa Bình