Hướng phát triển sản xuất hiệu quả

Trong hơn 3 năm gần đây, hoạt động sản xuất gỗ ván bóc đã phát triển khá mạnh ở nhiều địa bàn của tỉnh Hòa Bình. Nhận thấy triển vọng của nghề sản xuất gỗ ván bóc, đầu năm 2012, anh Bùi Văn Bạch dân tộc Mường ở xã Lâm Sơn (Lương Sơn) mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng mua sắm máy móc, mở xưởng và tiến hành sản xuất gỗ ván bóc. Với dàn máy bao gồm nhiều loại như máy cắt gỗ, máy bóc tu, máy bóc lồng, máy mài…, bình quân mỗi ngày, xưởng của gia đình anh Bình tiêu thụ khoảng 8 - 10 m3 gỗ nguyên liệu, tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập bình quân từ 2.700.000 - 3.000.000 đồng/người/tháng. Vừa kiểm tra chất lượng những miếng ván vừa mới bóc, anh Bùi Văn Bình vừa cho biết: “Do địa phương có diện tích rừng trồng khá lớn nên tôi không phải lo nguồn cung nguyên liệu. Sản phẩm gỗ ván bóc làm ra lại được các doanh nghiệp ở Hà Nội lên tận nơi thu mua để phục vụ làm ván ép xuất khẩu và gỗ ván công nghiệp. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mua thêm 1 dàn máy nữa để mở rộng sản xuất”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung bình mỗi cơ sở sản xuất gỗ ván bóc cần lượng vốn đầu tư từ 300 - 400 triệu đồng. Từ khi phát triển nghề sản xuất gỗ ván bóc đến nay, sản phẩm gỗ bóc của các xưởng làm ra đến đâu cơ bản đều có doanh nghiệp đặt mua đến đó. Người lao động tham gia sản xuất tại các xưởng gỗ ván bóc cũng không yêu cầu cao về chuyên môn; người mới vào làm chỉ cần học trực tiếp tại xưởng vài ngày là biết nghề. Thực tế cho thấy, nhờ sự phát triển của nghề sản xuất ván gỗ bóc nên đời sống nhiều hộ dân đã được nâng cao. Chị Hoàng Thị Mý, thôn Rổng Vòng, xã Lâm Sơn cho biết: những năm trước, gia đình tôi chỉ trông vào vài sào ruộng nên đời sống gặp nhiều khó khăn, trong khi thời gian nông nhàn nhiều. Gần 2 năm nay tôi đã xin vào làm việc ở xưởng bóc ván gỗ. Công việc đơn giản chỉ là mang ván gỗ đi phơi, sau đó bó lại cất vào kho để xuất bán, mỗi tháng tôi cũng có thêm hơn 2 triệu đồng để trang trải cho cuộc sống gia đình.

Đối với các chủ xưởng bóc ván gỗ có 1 dàn máy, hàng năm sau khi trừ chi phí thì mức thu nhập thường đạt khoảng 100 triệu đồng; những xưởng có 2 - 3 dàn máy thì thu nhập hàng năm còn cao hơn. Điều này lý giải vì sao nghề sản xuất gỗ ván bóc đang có xu hướng phát triển khá nhanh. Nhất là tại các địa phương có nhiều diện tích rừng trồng như Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Tân Lạc…

Giải quyết tốt đầu ra cho gỗ rừng trồng

Trao đổi với các chủ xưởng sản xuất gỗ ván bóc được biết, phần lớn người dân thu mua gỗ trực tiếp ngay tại địa phương và các địa bàn lân cận; chủ yếu là các loại gỗ rừng trồng như keo, bạch đàn… với giá bình quân 900.000 - 1.100.000 đồng/m3. Sau khi chế biến thành sản phẩm gỗ ván bóc lên đến 1,7 - 1,8 triệu đồng/m3, trừ chi phí sẽ còn thu lãi khoảng 200.000 - 250.000 đồng/m3. Ngoài ra, các sản phẩm gỗ thừa, mùn cưa cũng mang lại cho chủ xưởng một khoản thu nhất định. So với những nghề khác, nghề sản xuất gỗ ván bóc tuy mới xuất hiện ở Hòa Bình nhưng đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân địa phương. Bởi sản phẩm gỗ ván bóc có đầu ra tương đối lớn, doanh thu của chủ xưởng khá ổn định; đồng thời nghề sản xuất gỗ ván bóc còn tận dụng được nguồn nhân công dồi dào tại các địa phương. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu đầu vào là các loại gỗ rừng trồng trên các địa bàn khá lớn. nhất là những loại gỗ có giá trị như bạch đàn, keo lai, keo tai tượng…

Theo đánh giá bước đầu, nghề sản xuất gỗ ván bóc đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế đồi rừng trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình. Vừa tạo đầu ra ổn định cho các loại gỗ rừng trồng, việc đẩy mạnh phát triển sản xuất gỗ ván bóc vừa trực tiếp tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho hàng nghìn hộ nông dân, nhất là đồng bào các dân tộc. Chỉ tính riêng năm 2014, toàn tỉnh Hòa Bình đã khai thác 2.500 - 3.000 ha rừng trồng, với sản lượng khoảng 135.000 m3 gỗ, 12 triệu cây tre, nứa…, mang về nguồn lợi hàng trăm tỷ đồng. Nếu như trước đây, việc trồng rừng chủ yếu dựa vào các dự án của Nhà nước thì hiện nay, nhờ gỗ rừng trồng có đầu ra ổn định, nhiều hộ dân đã tự bỏ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để trồng rừng, góp phần tăng diện tích rừng cũng như tăng tỷ lệ che phủ rừng tại các địa phương. Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Hòa Bình cho biết: Năm 2014, Hòa Bình đã triển khai trồng mới 8.641 ha và trên 266.500 cây phân tán; trong đó diện tích rừng do người dân tự bỏ vốn trồng là 5.615 ha. Nhờ vậy, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đã đạt 49,4%, tăng 6,4% so với năm 2005, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai, lũ lụt./.

Tạ Quang Đạo

Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng