Tốt nghiệp Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, anh Phạm Xuân Hạnh ở thôn Phú Áng, xã Triệu Giang đã quyết định trở về quê lập nghiệp. Hiện tại anh đang phụ trách công tác khuyến nông ở xã Triệu Giang và trồng lan để phát triển thêm kinh tế gia đình. Nói về cơ duyên đến với nghề trồng lan, anh Hạnh cho biết: Lúc đầu vì yêu thích màu sắc và vẻ đẹp của hoa lan, nên anh chỉ trồng chơi cảnh nhưng sau nhận thấy loài hoa này có giá trị kinh tế và được nhiều người chơi hoa ưa chuộng nên anh Hạnh đã quyết định trồng lan. Chỉ với khoảng đất trống sau vườn nhà chưa đầy 500 m2 anh đã biến nơi đây thành vườn lan với nhiều chủng loại khác nhau. Hằng năm, anh Hạnh cung ứng ra thị tường trên 3.000 chậu hoa với thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng. “Với điều kiện ở tỉnh Quảng Trị mình đây mùa hè nắng nóng, mùa đông mưa ẩm kéo dài thì người chăm sóc phong lan cần lưu ý: mùa hè cần tưới nước thường xuyên cho cây, giữ ẩm vườn để đạt độ ẩm thích hợp; về mùa đông đối với các vườn lan gia đình nên có khu trú, tránh mưa cho cây, lợp bằng các tấm trong suốt cho vườn để tránh các bệnh thối nhũn, đặc biệt trên các dòng cây Nghinh xuân” – anh Hạnh nói.

Anh Phạm Xuân Hạnh chăm sóc vườn lan của gia đình

Đến nay sau 5 năm gắn bó với nghề trồng lan, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong trồng lan. Anh Hạnh chia sẻ thêm, những ngày đầu trồng lan, anh cũng gặp không ít khó khăn do không nắm vững kỹ thuật, nên bị hao hụt nhiều. Nhưng nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi nên chỉ sau 2 năm tay nghề trồng lan của anh đã vượt bậc và có thể điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi. Trong vườn nhà anh có trên 10 loại lan như Hồ điệp, Đen rô, Nghinh xuân, Dã hạc... thường xuyên cung cấp cho thị trường. Đến bây giờ vườn lan nhà anh Hạnh đã phát triển ổn định và thu hút nhiều người yêu lan đến tham quan. Không chỉ trồng lan giỏi, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăm lan với những người yêu hoa. Trong thời gian tới, anh dự định sẽ mở rộng diện tích trồng lan và hướng đến thị trường hoa trên toàn quốc để giới thiệu cùng người yêu hoa những giống lan đẹp và độc đáo.

Tiếp xúc với chúng tôi ông Nguyễn Cửu Tuấn- Phó trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trong những năm qua, hoạt động của đội ngũ khuyến nông viên rất có hiệu quả, thực sự là cánh tay nối dài của các cấp, các ngành đem tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người nông dân. Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình, Trạm khuyến nông Triệu Phong rất khuyến khích các Khuyến nông viên làm mô hình kinh tế, như mô hình trồng phong lan của anh Trương Văn Hạnh, khuyến nông viên xã Triệu Giang. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan, ổn định được cuộc sống gia đình và làm gương cho các hộ nông dân khác noi theo”.

Phan Việt Toàn