Với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật nói chung và KHKT nông nghiệp nói riêng, nền nông nghiệp nước ta cũng đang phát triển theo xu hướng đó. Do vậy, trình độ của nông dân trong trồng trọt và chăn nuôi ngày càng khoa học và tiến bộ. Nhiệm vụ then chốt của mỗi cán bộ khuyến nông (CBKN) là công tác chuyển giao khoa học kĩ thuật (KHKT) nông nghiệp cho nông dân.Vì vậy, đòi hỏi mỗi CBKN phải chuẩn bị hành trang cho mình như thế nào để thu hút được nhiều nông dân? Nhất là khi đứng trước những nông dân tiến tiến có nhiều kinh nghiệm thực tế. Xin chia sẻ một số kinh nghiệm đúc rút ra trong nghề.

Nhiệm vụ then chốt của mỗi cán bộ khuyến nông  chuyển giao khoa học kỹ thuật

Thực tế cho thấy, mỗi một CBKN trong tháng/năm công tác sẽ luôn phải thường xuyên đứng lớp ở nhiều địa bàn thôn, xã…, nhiều lần/vụ và nhiều lần một chủ đề (nhất là những vùng số cây, con không đa dạng). Vì vậy, để nông dân không còn phải phàn nàn: “Lại cô/chú đấy hả”, thậm chí là đề nghị thay đổi giáo viên cho “mới”, đòi hỏi mỗi CBKN tự phải “làm mới” mình bằng nhiều cách:

Đầu tiên và cốt yếu nhất là nội dung bài giảng: Khác với giáo viên phổ thông (các bài giảng luôn khác nhau giữa các lần giảng), CBKN và nông dân lại cùng một người giảng và cùng người nghe nhưng thường là phải lặp lại một chủ đề ở mỗi lần gặp gỡ.Ví dụ: Đối với những vùng luôn thâm canh 2 vụ lúa/năm thì chủ đề bài giảng luôn là “Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân/mùa”. Trước thực tế này, muốn cho bài giảng không phải lặp lại những nội dung như cũ (lần trước/vụ trước), đòi hỏi mỗi CBKN khi thực hiện bài giảng cần thay đổi phương pháp tập huấn cho mình ở mỗi lớp/lần giảng: Có thể lần này là giảng theo bố cục quy trình nuôi trồng cây con (có bổ sung các biện pháp kĩ thuật mới đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công). Lần sau/vụ sau, với cùng một chủ đề đó hoặc tập huấn về các cây, con quen thuộc của địa phương thì có thể không cần giảng lần lượt theo quy trình mà hãy chuyển thành phương thức: “Hỏi và trả lời, phân tích đúng, sai…”. Ví dụ: Khi tập huấn về thâm canh cây lúa (vốn dĩ là một cây trồng mà bao đời/người quen thuộc). Cho nên,nếu CBKN tập huấn theo mô tuýp quy trình gieo cấy thì sẽ trở lên nhàm chán với nông dân và sẽ nhận được ngay sự phàn nàn của nông dân: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Do đó, CBKN cần tìm hiểu thực tế những kĩ thuật mà nông dân ở địa phương đã áp dụng ra sao trong tất cả các khâu của quy trình đó bằng cách trao đổi với họ, hỏi họ làm thế nào? Từ đó, phân tích rõ xem những cách làm đó đã đúng và khoa học hay chưa? Nếu chưa khoa học, chưa hiệu quả thì giải thích rõ cho nông dân hiểu vì sao lại lạc hậu? Cần thay đổi thế nào?

Cần biết rõ nông dân là đối tượng rất khó thay đổi thói quen. Cho nên, cách làm mà CBKN đưa ra, muốn nông dân hiểu và áp dụng vào thực tế thay cho thói quen cũ thì cần phải phân tích ngọn ngành, nhất là phải nêu bật được nên những ưu điểm của phương pháp mới, thậm chí là cần phải làm mẫu hoặc mô hình trình diễn để nông dân: “Trăm nghe không bằng một thấy”.

          Một bài giảng không chỉ hỏi rồi lại “chê”. Song song với việc “sửa sai” cho nông dân, CBKN cũng cần phải chân trọng, đề cao, khen ngợi những biện pháp kĩ thuật, cách làm của nông dân đã khoa học và hiệu quả. Mặt khác, cần phải nói trước nông dân xin tiếp thu những sáng kiến kinh nghiệm thực tế của họ (nếu có). Có như vậy, CBKN mới làm bạn với nông dân được. Chính điều này cũng sẽ là một nhân tố thu hút nông dân: Nông dân học cán bộ, cán bộ học nông dân.

          Không chỉ là thay đổi phương pháp giảng, CBKN muốn làm cho bài giảng của mình luôn phong phú và mới hơn lần trước, đòi hỏi phải đầu tư thời gian, trí tuệ tìm hiểu, học hỏi KHKT, những biện pháp, kinh nghiệm tiến bộ trong nông nghiệp qua mạng, sách báo, đài… và nông dân. Được vậy, nông dân mới hứng thú và tham dự lớp tập huấn đông đảo, thường xuyên hơn. Điều này sẽ làm cho nông dân nhận định: “Giáo viên cũ nhưng kiến thức không cũ” - khi đánh giá về CBKN.

Ngoài những cách làm trên, mỗi CBKN cũng cần phải có những kinh nghiệm kĩ thuật, nhất là những sáng kiến kinh nghiệm khoa học của bản thân mình đúc rút ra trong quá trình công tác. Có như vậy CBKN mới có cái “Tôi” trước đông đảo nôg dân, sẽ được nông dân mến yêu và tin tưởng.

Một phần không nhỏ đóng góp cho việc thu hút được nhiều nông dân lắng nghe mình thuyết giảng đó là: CBKN cần phải có phong cách giảng cho người lớn tuổi: Bạo dạn, tôn trọng người nghe, niềm nở, xưng hô đúng mực, không nói quá nhanh, không giảng quá lâu… Đồng thời, mỗi CBKN cũng cần phải gần gũi với nông dân bằng cách: Thường xuyên thăm đồng, chuồng trại để tháo gỡ những khó khăn cho nông dân khi họ gặp phải. Thường xuyên theo dõi và giám sát các mô hình trình diễn dưới cơ sở, tư vấn kĩ thuật trực tiếp trên đồng hoặc trong nhà nông dân… Làm được vậy, CBKN sẽ không xa lạ và chắc chắn chúng ta sẽ không có khoảng cách với nông dân, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc để nông dân luôn yên tâm một điều: “Nông dân cần, khuyến nông có. Nông dân khó có khuyến nông”.    

Theo Thông tin Khuyến nông Việt Nam, Số 19/2014