Anh Vũ Đình Thi sinh ra tại quê hương Nam Định. Năm 1991, anh di cư vào huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng sinh sống, lập nghiệp. Trong những năm đầu vào vùng đất mới lập nghiệp, kinh tế gia đình anh gặp nhiều khó khăn, vợ chồng anh phải đi làm thuê để đảm bảo cuộc sống hằng ngày và lo cho con cái ăn học. Ít vốn, anh suy nghĩ và bàn với vợ mua 2ha đất đồi tại thôn 5, xã Đức Phổ để sản xuất. Để phát triển kinh tế, bước đầu anh Thi trồng điều kết hợp chăn nuôi tận dụng và làm thuê… Sau 8 năm lập nghiệp, nhờ chịu khó làm ăn và tích cóp để dành, gia đình anh đã mua thêm được 6 ha đất đồi và 1 ha đất trồng lúa, đồng thời đầu tư đào ao nuôi cá kết hợp chăn nuôi bò và heo rừng…

Thời gian đầu anh cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, bằng ý chí, nghị lực anh không ngừng học hỏi qua báo, đài, bạn bè. Đặc biệt, từ năm 2011 anh được làm cộng tác viên khuyến nông của thôn, anh có nhiều cơ hội được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trên lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt… do Trung tâm Nông nghiệp huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, được gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, đồng nghiệp… Anh càng có kinh nghiệm tích lũy cho bản thân để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi, trồng trọt của gia đình mình.

Đến nay, sau 7 năm làm cộng tác viên khuyến nông, thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt của gia đình anh ngày càng khả quan. Riêng nuôi cá, mỗi năm gia đình anh Thi thu hoạch được 7 tấn cá, với giá bán được tư thương thu mua tại ao bình quân các loại khoảng 30.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu lời được khoảng 150 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, với 4 ha đất đồi trồng điều và 2ha trồng keo, hàng năm cũng cho lãi hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi thêm 4 con bò cái giống và 3 con bò thịt, 21 con heo rừng lai, hàng năm cũng cho lãi cả trăm triệu đồng.

Là cộng tác viên khuyến nông của thôn, vừa là một hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện, tỉnh nhiều năm liền, anh Thi luôn tận tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các hộ khó khăn trong thôn để cùng nhau phát triển sản xuất. Đến nay, trong toàn thôn của anh đã có tới 11 mô hình sản xuất nông lâm kết hợp hiệu quả và giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.

Nhận thấy đây là mô hình sản xuất có hiệu quả và hướng đi phù hợp cho phát triển kinh tế hộ. Ủy ban nhân dân xã Đức Phổ đã chỉ đạo cho Ban Nông nghiệp xã tập trung phổ biến nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp, mô hình sản xuất nông lâm kết hợp điển hình, có giá trị kinh tế cao, phát triển mang tính bền vững và gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp.

Nguyễn Văn Hòa 

Xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng