Được Hội Nông dân huyện Di Linh giới thiệu, chúng tôi đến thăm, tìm hiểu hoạt động của Chi Hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm xã Gia Hiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Đình Hiện - Chi hội trưởng Hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm xã Gia Hiệp cho biết: “Sau khi huyện Di Linh cho bà con đi tham quan thực tế các mô hình trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà, đến tháng 9/2017, Chi Hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm xã Gia Hiệp được thành lập để cùng nhau liên kết phát triển sản xuất. Lúc đầu Chi hội có 12 hộ tham gia, đến nay đã phát triển lên 41 hộ tham gia. Hiện tại, bình quân mỗi hội viên có 4 sào dâu, đảm bảo nuôi từ 2 - 3 hộp tằm/hộ/tháng”.

Tham gia Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm xã Gia Hiệp đã giúp người dân nâng cao thu nhập

Dẫn chúng tôi đi thăm một số vườn dâu và gia đình hội viên nuôi tằm, ngoài những hội viên đã gắn bó lâu năm với nghề trồng dâu nuôi tằm thì cũng có không ít hộ mới làm quen với nghề “ăn cơm đứng”, như hộ chị Ka Cảnh, anh Huỳnh Văn Dũng... Trước đây, đời sống gia đình anh Huỳnh Văn Dũng ở thôn 8, Gia Hiệp phụ thuộc chủ yếu nguồn thu từ vài sào cà phê và trồng rau màu nhưng cuộc sống cũng không khá lên được. Từ khi Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm được thành lập và hoạt động có hiệu quả, anh Dũng đã chuyển sang nghề trồng dâu nuôi tằm và được anh, chị em trong hội tư vấn, chỉ dẫn tận tình từ việc sử dụng giống dâu mới (giống S7-CB có lá to dày, kháng bệnh, giúp tằm ăn lâu hơn, tiết kiệm được thời gian và công hái dâu) cho đến cách nuôi tằm theo phương pháp mới (nuôi trên nền xi măng, nong tằm làm bằng khung sắt, né gỗ…). Phương pháp nuôi này mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi như giảm chi phí đầu tư, thời gian chăm sóc, công lao động, thân thiện với môi trường và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.

Anh Huỳnh Văn Dũng vui vẻ cho biết: “Trước đây, tôi trồng cây hoa màu nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ chi phí đầu tư nên tôi chuyển sang nghề trồng dâu nuôi tằm. Đây là lứa tằm nuôi thứ 4 của gia đình. Để thành công như ngày hôm nay, thời gian qua, tôi đã học hỏi từ các chị em đi trước về kinh nghiệm, kỹ thuật… Với trên 1 ha dâu, vừa nuôi từ 1,25 - 1,5 hộp tằm/tháng và hợp đồng bán lá dâu, nên hàng tháng cũng thu được trên 21 triệu đồng. Tôi dự tính, thời gian tới sẽ phá 6 sào cà phê để mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm”.

Một trong những điểm thuận lợi của các hội viên tham gia mô hình, ngoài việc đi tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả, tiếp cận với phương pháp nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao, họ còn được Trung tâm tằm giống tại Hòa Lạc (Lâm Hà) cung cấp tằm con đảm chất lượng và được Công ty Cổ phần Đông Lâm TP. Bảo Lộc nhận bao tiêu sản phẩm nên hầu hết bà con hội viên đều yên tâm sản xuất.

“Tôi theo nghề trồng dâu nuôi tằm trên 20 năm nay nhưng trước đây chỉ áp dụng theo phương pháp nuôi truyền thống, nên hiệu quả mang lại chưa cao. Từ khi tham gia mô hình này, chúng tôi được tham gia các buổi hội thảo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật…, vì vậy đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi tằm theo phương pháp mới nên chất lượng kén tằm được nâng lên. Bên cạnh đó, đầu ra và giá kén tằm ổn định, không còn tình trạng các đại lý ép giá như trước kia” - ông Nguyễn Đình Kỷ, thôn Gia Lành bày tỏ.

Có thể nói, hiệu quả kinh tế mà nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại khá ổn định, việc thành lập chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm đã giúp cho các hội viên được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần duy trì và phát nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương. Đồng thời, mô hình sản xuất trồng dâu nuôi tằm theo phương pháp mới đã mang lại thu nhập cao, ổn định đời sống cho người nông dân.

Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của xã Gia Hiệp, đến nay, toàn xã có 560 hộ duy trì trồng 167 ha dâu để nuôi tằm. Trong số đó, Chi Hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm xã Gia Hiệp có 41 hộ nuôi, bình quân cung cấp cho thị trường 4 tấn kén/tháng.

Ông Đoàn Ngọc Tuyền - Chủ tịch UBND xã Gia Hiệp cho biết: “Qua thời gian hoạt động, chúng tôi nhận thấy mô hình đã mang lại lợi ích cho nông dân như: Nông dân đã biết liên kết với nhau để trở thành một tổ chức đủ khả năng cạnh tranh với các đại lý cung cấp giống tằm và thu mua kén trên địa bàn xã. Sau khi thành lập, giá kén trên thị trường xã Gia Hiệp đã ngang bằng giá kén gốc tại TP. Bảo Lộc và huyện Lâm Hà, không còn tình trạng chênh lệch về giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên 15.000 đồng như trước đây. Khi đã liên kết với nhau, nông dân không còn lệ thuộc phải bán sản phẩm cho đại lý cung cấp giống. Về phía cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ để mô hình hoạt động công khai minh bạch tạo được lòng tin cho nông dân để mô hình liên kết phát triển thành Hợp tác xã”.

Hoàng Trường Chinh

TTNN huyện Di Linh, Lâm Đồng