Trước đây nguồn thức ăn nuôi cua chủ yếu sử dụng thức ăn tươi sống. Năm 2020 Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình nuôi cua có sử dụng thức ăn công nghiệp. Bước đầu mô hình mang lại kêt quả khả quan.

Bước vào vụ nuôi trồng thủy sản năm 2020, trên diện tích các ao nuôi gần 1 ha, gia đình chị Phạm Thị Oanh ở thôn Sơn Tây, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh đã được Trung tâm Khuyến nông lựa chọn thực hiện mô hình nuôi cua thâm canh có sử dụng thức ăn công nghiệp. Đây là diện tích trước đây nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng thường hay bị dịch bệnh. Với 10.000 con cua giống thả nuôi với mật độ 1 con/m2. Qua 5 tháng nuôi tỷ lệ nuôi sống đạt 68%, cua đạt trọng lượng bình quân 0,3 kg/con, năng suất đạt hơn 2 tấn/ha. Với giá bán 260.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí, 1 ha nuôi cua thâm canh theo phương thức này cho lợi nhuận hơn 250 triệu đồng. So với nuôi cua quảng canh, hiệu quả nuôi cua thâm canh tăng 40 - 50%, thời gian nuôi tối đa kéo dài khoảng 6 tháng và tiến hành thu hoạch trước mùa mưa lũ nhằm tránh thiệt hại do thiên tai.

Cua đạt trọng lượng bình quân 0,3 kg/con sau 5 tháng nuôi

 

Chị Oanh cho biết: “Khi nuôi cua vừa sử dụng thức ăn công nghiệp vừa cho ăn cá tạp cho thấy các yếu tố môi trường ở vùng nuôi nhìn chung từ độ mặn, độ pH, đến độ trong rất phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của cua nuôi. So với nuôi cua sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn cá tạp như trước kia thì khi nuôi cua có sử dụng thức ăn công nghiệp gia đình không phải lo về việc tìm kiếm thức ăn hàng ngày cho cua, việc quản lý chăm sóc khá thuận lợi, cua phát triển đồng đều và tỷ lệ sống cao hơn nên đã giảm được khá nhiều chi phí đầu tư và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn”.

Những năm gần đây, tại xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, người dân đã đưa cua biển vào nuôi nhưng chủ yếu là nuôi quảng canh với mật độ thấp nên hiệu quả chưa cao. Trước thực trạng này, được sự đồng ý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng mô hình trình diễn nuôi cua biển thâm canh có sử dụng thức ăn công nghiệp. Thông qua mô hình nhằm giúp cho người dân có thêm một hình thức mới, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình. Đặc biệt trong quá trình nuôi nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng an toàn từ khâu cho ăn, chế độ thay nước và sử dụng chế phẩm sinh học nên đã nâng cao hiệu quả quản lý các yếu tố môi trường nuôi.

Có mặt tại buổi nghiệm thu tổng kết mô hình, ông Hồ Văn Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh đã đánh giá: Mô hình nôi cua sử dụng thức ăn công nghiệp là khá mới mẻ đối với người dân nơi đây nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả mang lại khá cao. Vì thế, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng mô hình nhằm phát triển nghề nuôi cua bền vững tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Cua phát triển khá đồng đều khi sử dụng thức ăn công nghiệp

 

Việc chuyển giao kỹ thuật nuôi cua biển thâm canh có sử dụng thức ăn công nghiệp cho người dân cũng như việc áp dụng quy trình nuôi này sẽ giúp người dân chủ động được nguồn thức ăn, cua được cho ăn đầy đủ, thức ăn đảm bảo chất lượng; hạn chế ô nhiễm môi trường nước trong ao nuôi, không xảy ra dịch bệnh, hướng tới mô hình nuôi bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Từ đó, động viên bà con tiếp tục bám ao hồ yên tâm đầu tư sản xuất. Về lâu dài, nghề nuôi cua phát triển sử dụng bằng thức ăn công nghiệp sẽ dần giảm được áp lực khai thác nguồn cá nhỏ làm thức ăn cho cua từ tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Nuôi cua biển thâm canh còn giúp tạo thêm nguồn hàng hoá thuỷ sản giá trị cao bảo đảm về chất lượng, số lượng cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong và ngoài địa phương.

Phát triển nuôi cua thâm canh tại những diện tích nuôi trồng thủy sản thường xảy ra dịch bệnh, nuôi tôm kém hiệu quả là hướng đi đúng, vừa góp phần khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cua thương phẩm là một trong những kỹ thuật mới rất cần được áp dụng nhân rộng để tháo gỡ một số khó khăn mà trước kia người dân gặp phải về việc tìm kiếm nguồn thức ăn, cũng như quản lý chăm sóc. Đồng thời cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ các hộ dân đi đầu trong phong trào nuôi cua sử dụng thức ăn công nghiệp theo vùng tập trung ở các vùng nuôi thuộc địa phương khác./.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh