Với ý chí quyết tâm và nghị lực thực hiện ước mơ của mình, anh Ma Văn Huấn đã theo học trường Nông Lâm Thái Nguyên. Sau khi ra trường, năm 2010 anh Huấn về công tác tại trạm khuyến nông (cũ) nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên và phụ trách xã Tân Tiến - một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện cách trung tâm thị trấn hơn 40km và cách nhà hơn chục cây số.

Anh đến với nghề bằng lòng nhiệt huyết đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đến với bà con nông dân nhằm thay đổi nhận thức và tập tục lạc hậu trong canh tác sản xuất của người vùng cao. Thời gian đầu mới về công tác anh Huấn gặp rất nhiều khó khăn một phần do bà con không tin tưởng và không chịu hợp tác trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất mà vẫn canh tác theo kiểu truyền thống lâu đời là sản xuất tự cung tự cấp, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, và trồng xong để đấy chờ thu hoạch, còn chăn nuôi thì không nuôi dưỡng, tiêm phòng và thả rông chờ mổ thịt. Một phần nữa là đường liên thôn liên xã đi lại rất khó khăn, có những thôn bản cách trung tâm xã 15km và đi bộ cả ngày đường mới đến nơi, có những thôn bản 100% dân tộc thiểu số không giao tiếp bằng tiếng phổ thông nên việc tuyên truyền và tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân gặp nhiều khó khăn.

Anh Huấn chia sẻ để tổ chức được một lớp tập huấn ở thôn bản rất khó. Lớp học  thường phải tổ chức vào buổi tối nên anh phải ở lại 2 hôm mới về được. Khi đến học thì toàn đàn ông mà người thực hiện lại là phụ nữ và sự truyền đạt lại thì không có nên ban đầu hiệu quả đạt được chưa cao. Ngoài ra, khi học không nói tiếng phổ thông nên không trao đổi được trực tiếp mà trao đổi qua thông dịch viên là đồng chí trưởng bản.

Những khó khăn đó không làm lùi bước chân của người cán bộ trẻ, anh Huấn đã tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp với các ban ngành đoàn thể cùng vào cuộc vận động nhân dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác và sản xuất hàng hóa cung cấp ra thị trường các xã lân cận trong huyện và huyện bạn. Bên cạnh đó, anh Huấn còn tham mưu cho Trạm và xã tổ chức đạt hiệu quả các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi các biện pháp phòng trị bệnh, phòng chống rét cho gia súc gia cầm… Xây dựng các mô hình trình diễn về các giống lúa mới Tân Thịnh 15, mô hình nuôi lợn đen bản địa, mô hình trồng cây thảo quả, mô hình trồng cây vụ đông như: cây su su, khoai tây, rau màu các loại... Qua đó đã đưa được các giống cây con mới, năng suất chất lượng cao vào thay thế giống địa phương, góp phần tăng năng suất sản lượng cây trồng và vật nuôi.

Ngoài ra anh Huấn còn tham gia công tác thông tin tuyên truyền, phối hợp với Trạm Chăn nuôi và thú y, Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các ban ngành đoàn thể huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi. Theo anh Huấn, người nông dân trong chăn nuôi, sản xuất không những cần hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật mà còn cần được biết đến thông tin, giá cả thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, xã Tân Tiến là 1 trong 6 xã thuộc huyện Bảo Yên được thí điểm thành lập điểm cung ứng dịch vụ nông nghiệp cho bà con và anh thường xuyên mở các cuộc tập huấn tự nguyện để tư vấn kỹ thuật, thông tin giá cả lịch thời vụ…

Là cán bộ khuyến nông nhưng gia đình anh Huấn lại là hộ sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy anh đã nhiều đêm suy nghĩ về việc phát triển kinh tế gia đình mình sao cho phù hợp với điều kiện địa phương để bà con nông dân trong vùng có thể học tập và làm theo. Sau nhiều lần bàn bạc với vợ, anh Huấn quyết định vay vốn ngân hàng và phát triển kinh tế gia đình theo hướng VAC. Đến nay, gia đình anh thường xuyên nuôi 02 con lợn nái đen bản địa. Mỗi năm 2 nái này đẻ trung bình 2 lứa mỗi lứa 8 con lợn con và anh để nuôi thành lợn cắp nách từ 12-13 kg là anh cho xuất bán với giá giao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg tuỳ từng thời điểm. Đàn trâu nhà anh có 6 con sử dụng làm sức kéo và cày bừa, năm 2016 anh xuất bán 1 con trâu đực thu về được 30 triệu đồng. Với hơn 2 sào mặt nước anh chị thả các loại cá trắm, cá trôi vừa làm thức ăn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình và đem bán ra thị trường thu được 10 triệu đồng. Bên cạnh đó anh chị còn nuôi gà ta, vịt bầu địa phương, ngan mỗi năm khoảng 400con trừ chi phí thu lãi về khoảng 20 triệu đồng. Với diện tích đồi rừng 5 ha anh chị đầu tư trồng quế, đến nay cây quế 3 năm tuổi và bắt đầu tỉa thưa bán được 18 triệu đồng/năm.

Anh Huấn đang chăm sóc đàn trâu của gia đình

Ngoài ra, vợ chồng anh gieo cấy 1 mẫu ruộng mỗi năm thu được trung bình 4 tấn lúa, bán giá 7.000 đồng/kg thu về 28 triệu đồng; 2 sào trồng ngô thu hoạch được khoảng 700 kg trị giá 3,5 triệu đồng. Sau những giờ làm việc hành chính, anh Huấn còn tranh thủ cung ứng giống lúa, ngô, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến từng hộ có nhu cầu và tư vấn trực tiếp về kỹ thuật nuôi trồng cũng như phòng trị bệnh trên cây trồng và vật nuôi. Công việc này giúp anh có thu nhập thêm khoảng 10 triệu đồng/năm. Như vậy tính đến nay mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 200-220 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thùy - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện  Bảo Yên cho biết: “Anh Huấn là một cán bộ khuyến nông giỏi, nhiệt tình, yêu và tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với công việc, có ý chí vươn lên, không ngừng nghiên cứu học tập trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho các đồng chí trẻ nên được nhân dân và đồng nghiệp rất yêu mến”./.

Nguyễn Thị Vân Anh

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên - Lào Cai