Qua trao đổi, ông Trần Huệ cho biết, trước khi vùng nuôi hình thành thì đây là một vùng đất bồi của sông Trà Bồng, từ ý chí và khao khác làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông đã tìm tòi học hỏi, khảo sát về mặt nước và thổ nhưỡng ở đây để đến với nghề nuôi tôm.

Năm 1994, gia đình ông bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề nuôi tôm sú trong ao đất vùng triều. Bằng nguồn vốn ít ỏi, ông đã mạnh dạn đầu tư 1 ha diện tích thả nuôi 60 vạn con giống, chi phí đầu tư ban đầu cho 2- 3 hồ nuôi cũng đến vài trăm triệu đồng. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, ông thu hoạch được gần 6 tấn tôm, cả gốc và lãi lên tới 600 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó mà ông luôn học hỏi và tìm tòi, cập nhật nhiều thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và thực tế cho thấy hiệu quả của việc nuôi tôm cho lãi suất cao. Năm 2006, ông quyết định mở rộng diện tích ra 1,5 ha, tiếp tục cải tạo hồ nuôi, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị, hệ thống quạt nước.... và một vấn đề quan trọng nhất ở đây là ông đã thay đổi đối tượng nuôi tôm sú trước đây bằng nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao lót bạt. Ông Huệ cho biết, nuôi tôm sú 12 năm cũng cho hiệu quả rất tốt, nhưng vì mật độ thả thưa nên năng suất thấp và đầu ra lại hạn chế nên ông muốn thay đổi.

Với hơn 25 năm kinh nghiệm nuôi tôm, vụ nuôi năm nay ông đã thả nuôi hơn 300 vạn con giống tôm thẻ chân trắng, cho 9 hồ nuôi với tổng diện tích 1,5 ha và đã thu được hơn 20 tấn. Với giá bán từ 95.000 - 100.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí, gia đình ông thu về trên 1,5 tỷ đồng tiền lãi.

Ông Huệ chia sẻ thêm: Nuôi tôm đòi hỏi kỹ thuật rất cao, vì vậy để có được hiệu quả kinh tế, ngoài áp dụng kỹ thuật nuôi, ông tuân thủ theo đúng lịch thời vụ của nhà nước khuyến cáo, một năm chỉ nuôi 2 vụ, thời gian còn lại ông để hồ nghỉ ngơi, không nên lạm dụng khai thác mạch nước ngầm quá mức... Chính vì thế mà cho đến thời điểm hiện nay, 9 hồ nuôi của ông với diện tích 1,5 ha, ông chưa hề sử dụng ao lắng để xử lý nước trước khi đưa vào thả nuôi, mà ông chỉ bơm lấy nước trực tiếp vào ao nuôi từ nguồn nước mạch ngầm dưới sông.

Ngoài yếu tố con giống, môi trường ao nuôi thì biện pháp chăm sóc là rất quan trọng, quyết định đến đời sống của con vật nuôi. Ông tự làm men vi sinh để bổ sung cho tôm, bằng cách ông dùng gói AM gốc + cám gạo + bột mì + thức ăn số 0, trộn đều và ủ 3-4 ngày, có thể cho tôm ăn trong suốt quá trình nuôi; thường xuyên bổ sung các vitamin và khoáng chất khi thời tiết thay đổi. Phương pháp này sẽ giúp cho tôm có đường ruột khỏe mạnh hơn, tăng sức đề kháng. Ngoài ra ông còn tự tìm tòi đọc sách báo, nghe đài, thăm quan học hỏi kỹ thuật nuôi ở các địa phương khác; thường xuyên kiểm tra theo dõi ngoài hồ nuôi xem tôm có bị bệnh không, các quy trình xử lý nước đã đúng và phù hợp chưa để có biện pháp xử lý kịp thời. Chính vì vậy mà trong suốt ngần ấy năm nuôi tôm, hồ tôm của ông rất ít bị sự cố xảy ra.

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình từ nghề nuôi tôm, ông đã tạo công ăn việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho 6 lao động trẻ. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật mới về nuôi tôm với các hộ gia đình khác trên địa bàn xã, huyện để có nhiều cách làm hay, hiệu quả, từ đó mở rộng mô hình, phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Nguyễn Thị Huyền Hương

TT Khuyến nông Quảng Ngãi