Không những vậy, hiện Củ Chi đã vươn lên trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp chất lượng cao của thành phố sau 43 năm gánh trên mình hàng ngàn tấn bom đạn trong kháng chiến chống Mỹ và điều quan trọng hơn cả là hiện cuộc sống của những người dân nơi đây ngày càng được khấm khá hơn, để họ mạnh dạn hòa nhập với tiến trình đô thị hóa, nhất là trong quá trình đô thị hóa của ngành nông nghiệp thành phố.

Tp.HCM được xem là thành phố phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, bền vững, do đó, để phù hợp với quá trình phát triển, Củ Chi vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng có hiệu quả cao, trong đó có cây hoa lan. Đây là loại cây được xem là phù hợp với nhiều đối tượng lao động ở nông thôn hiện nay. Vì thế, có thể nói Củ Chi bây giờ còn là thiên đường của những cánh đồng hoa lan với đủ hương hoa và màu sắc.

Hộ anh Võ Minh Tuấn (ở số 687 đường Nguyễn Thị Rành, tổ 3, ấp Ngã Tư, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, Tp.HCM), có 10 năm kinh nghiệm trồng lan Dendrobium. Anh trồng lan từ năm 2008, đến nay vườn lan của anh có 3ha diện tích với hơn 50.000 cây lan, cùng nhiều giống như: Dendrobium Sonia Earsakull (tím trắng), Dendrobium Super novared (đỏ hoặc) và Dendrobium White 5N (trắng 5N). Mỗi tuần anh bán khoảng 120 bó lan (mỗi bó có 50 bông) và 30 chậu, giá trung bình từ 500 - 800 đồng/bông và 25.000 - 30.000 đồng/chậu, anh thu được hơn 22 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh lãi hơn 15 triệu đồng. Vườn lan của anh là một trong những vườn lan có chất lượng nên được chọn là mô hình trình diễn do Trung tâm Khuyến nông thành phố thực hiện.

          Góp thêm mô hình hay, hiệu quả cho vùng đất Củ Chi còn có mô hình lan Mokara cắt cành của thầy giáo dạy nghề lái xe Bùi Xung Phong (ấp Bình Thượng 1, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi). Anh Phong cho biết, với diện tích 2.000m2/3.000 cây lan Mokara của mình, một tuần anh xuất bán 02 lần, mỗi lần trung bình 500 cành, với giá ổn định từ 5.000 - 7.000 đồng/cành, sau khi trừ chi phí anh thu được gần 15 triệu đồng/tháng. Theo anh, thời gian đến anh sẽ tận dụng khoảng đất trống xung quanh nhà, đầu tư thêm 2.000 - 3.000 cây lan Mokara, giúp tăng số lượng và thu nhập cho gia đình từ vườn lan của mình.  

Cũng có 10 năm kinh nghiệm và ở xã Nhuận Đức, còn có mô hình trồng lan Mokara của anh Tô Cẩm Tùng (ngụ ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, Tp.HCM): “Lan là một trong những cây trồng giúp nông dân có thu nhập khá và phù hợp với nền nông nghiệp đô thị của thành phố như hiện nay. Trước đây mảnh vườn 8.000m2 của tôi chủ yếu là trồng điều nhưng qua nhiều năm thu nhập không cao. Nên năm 2006, hưởng ứng chính sách chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao của thành phố, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 4.000m2 diện tích đất để trồng lan cắt cành Mokara. Qua thời gian trồng lan, tôi thấy lan cho thu nhập khá, giúp nâng cao đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình” - anh Tô Cẩm Tùng mạnh dạn khẳng định. Hiện vườn lan của anh có gần 20.000 cây lan Mokara lớn nhỏ khác nhau. Mỗi tuần anh cắt bán 02 lần, khoảng 500 cành/lần, với giá giao động từ 4.000 - 8.000 đồng/cành, sau khi trừ chi phí anh thu nhập khoảng 18 - 20 triệu đồng/tháng. Anh Tùng chia sẻ về thành công của mô hình và cho biết những dự định sắp tới: “Có được nguồn thu nhập ổn định trên, tôi sửa sang nhà cửa và cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng không dừng lại ở đó, tôi sẽ nhân rộng mô hình bằng cách sử dụng hết diện tích 4.000m2 còn lại của gia đình để trồng lan, bởi hiện vườn nhà có cây giống, cứ luân phiên như vậy sẽ rất thuận lợi cho việc phát triển mô hình. Ngoài ra, nếu ai có nhu cầu học tập tôi sẽ sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ kinh nghiêm để cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu quê hương, đất nước”.

Đi và cảm nhận thực tế từ những mô hình trên thấy Củ Chi là vùng đất rất thích hợp để nông dân thực hiện mô hình trồng lan Mokara Dendrobium. Mô hình nhằm góp phần thay đổi diện mạo các vùng nông thôn trên “đất thép”, giúp người dân có thu nhập và từng bước đi lên làm giàu trong quá trình đô thị hóa như hiện nay và cùng nhau thực hiện tốt mục tiêu phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị bền vững, hiệu quả trong thời kỳ mới.

Minh Hiếu