Từ ý tưởng đã giúp chị bén duyên với nghề trồng nấm sạch. “Cái duyên” ấy không dừng lại mà đã đưa chị đến thương hiệu “Vua Nấm” như mọi người thường nói về chị. Hiện chị là Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Nấm Việt – một đơn vị làm nấm theo chuẩn VietGAP và chuẩn hữu cơ. Theo chị, hành trình giúp chị đi đến thương hiệu “Vua Nấm” không hề đơn giản, trải qua biết bao lần thất bại mới có được thành công.

Hành trình đi đến thương hiệu “Vua Nấm”

Cuối năm 2008, từ bỏ việc kinh doanh bất động sản để thực hiện ý tưởng sản xuất nấm sạch, chị tham gia các lớp học về trồng nấm tại Thành phố do Hội Nông dân giảng dạy và tìm hiểu thêm nhiều tài liệu sách báo khác.

Ban đầu, chị xây dựng 10 khu nhà trồng nấm bào ngư xám bằng tre nứa nhưng đã thất bại do thiếu kinh nghiệm thực tế, cộng thêm vốn ít, các nhà trồng nấm bằng tre nứa, sau một thời gian bị mối, mọt phá hoại, hư hỏng nặng,…

Thất bại lần đầu không dừng lại, chị tiếp tục làm và dần đúc rút kinh nghiệm. Khi sản phẩm đã có, chị lại “bí” đầu ra. Giá thành sản xuất 25.000 đồng/kg nhưng giá nấm khi đó chỉ có 10.000 đồng/kg. Để giải quyết, chị phơi khô nấm, chờ có giá sẽ bán, nhưng ông trời như muốn thử thách lòng kiên nhẫn của chị, nấm phơi khô, bảo quản đến khi bán, tính ra chỉ được 8.000 đồng/kg nấm tươi.

“Khi ấy, dù lỗ, nhưng làm tôi cứ làm, với tiêu chí phải sản xuất nấm sạch, tuyệt đối không sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu hay phân hóa học. Tôi mang sản phẩm đi tiếp thị ở các siêu thị và đến cuối năm 2009, sản phẩm nấm của tôi đã được siêu thị Co.op Mart chấp nhận phân phối”- chị Ngọc chia sẻ. Vậy là bước đầu đã giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm. Đến năm 2011, khi đã nắm được kỹ thuật cơ bản về trồng các loại nấm bào ngư, nấm mèo, linh chi,… chị đã xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nấm sạch, từ phôi giống đến xây dựng thương hiệu, phân phối ra thị trường. Nhờ đó, các đơn đặt hàng ngày càng nhiều, sản lượng nấm tại trang trại không đủ cung cấp ra thị trường, chị đã thành lập Hợp tác xã Sản xuất, thương mại Nấm Việt với hơn 100 xã viên tại các tỉnh, thành (TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc...)

Chị còn mạnh dạn kết nối với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp (thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM). Qua đó, chị được hỗ trợ thêm các kiến thức về nông nghiệp bền vững, cách điều hành, quản trị doanh nghiệp cho người mới khởi nghiệp và chị đã tiến hành thành lập Công ty Cổ phần Sinh học Nấm Việt. Cũng tại Khu nông nghiệp công nghệ cao, chị bắt đầu đảm nhiệm việc lai tạo phôi nấm, đảm bảo nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho trang trại cũng như những nông dân liên kết sản xuất với Nấm Việt.

Chị Lê Hà Mộng Ngọc tại Hội nghị giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, do Sở nông nghiệp và PTNT TP.HCM tổ chức năm 2019

Quá trình thăng trầm với nấm đã giúp chị có được nhiều kết quả đáng mừng. Năm 2014 Nấm Việt đã đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao; doanh thu của HTX Nấm Việt đạt hơn 2 tỷ đồng mỗi năm, mang lại thu nhập ổn định cho hơn 100 xã viên trồng nấm khắp cả nước. Và đầu năm 2019, chị đã được Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM đầu tư hơn 200 triệu đồng lắp đặt nhà màng về công nghệ sấy nấm bằng năng lượng mặt trời, nhập khẩu từ Đức. Hiện sản phẩm nấm của chị được nhiều hệ thống siêu thị Co.opmart, Lotte Mart,… phân phối.

Mạnh dạn tiếp cận kỹ thuật mới, mỗi tháng chị sản xuất khoảng 4 tấn nấm. Sau khi trừ chị phí, chị thu lãi khoảng 120 triệu đồng/tháng. “Với tôi, làm kinh tế ngoài mục đích để tạo dựng sự nghiệp, tôi còn muốn người dân sẽ hiểu thêm về quy trình làm nấm sạch, giúp họ sử dụng miễn phí hệ thống sấy để họ có thể hiểu được việc ứng dụng công nghệ mang lại nhiều giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và cho cả người sử dụng”. Bởi vậy, đã có những người ở tận Tây Nguyên cũng lặn lội đến với chị để "tầm sư học đạo” miễn phí về trồng nấm và sử dụng miễn phí nhà màng công nghệ sấy nấm bằng năng lượng mặt trời của đơn vị Nấm Việt.

Đưa thương hiệu vươn xa hơn

Ngoài mục đích trên, chị còn muốn sản phẩm và thương hiệu Nấm Việt của chị sẽ được nhiều nước biết đến như Nhật Bản, Mỹ,… Hiện, chị đang kết nối với một số chuyên gia Nhật Bản, hợp tác để xuất khẩu nấm mèo sang Nhật vì thị trường Nhật rất tiềm năng, có nhu cầu lớn về các loại nấm. “Người Nhật rất nguyên tắc và rất coi trọng chất lượng sản phẩm. Đó vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để mình đầu tư vào chất lượng nấm tốt hơn. Hiện tại, nấm của chúng tôi đang ở chuẩn VietGAP và chuẩn hữu cơ, được công nhận bởi các tổ chức đánh giá trong nước. Để xuất khẩu chúng tôi cần hướng đến những tiêu chuẩn khắt khe hơn” – chị Ngọc tâm sự.

Ngoài Nhật Bản, thị trường Mỹ cũng đang trong “tầm ngắm” của chị. Theo chị, ở Mỹ đang rất chuộng nấm rơm, đặc biệt là cộng đồng người Việt ở Mỹ rất thích loại thực phẩm này. Mặt khác, nấm rơm hiện chưa thể trồng được ở Mỹ, vì thế thị trường Mỹ cũng sẽ hứa hẹn tiềm năng rất lớn.

Với hành trình hơn 10 năm gắn bó với nấm, hy vọng sẽ giúp chị có nhiều động lực đem đến thành công trong tương lai, giúp chị xây dựng được những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, góp phần đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển và có cơ hội đến với các thị trường trên thế giới.

M. Hiếu

TT Khuyến nông TP.HCM