Từ nhiều năm nay, nông dân Phú Tân đã biết tận dụng diện tích đất sau nhà xây bể và lợi thế mùa nước nổi khai thác một số loài thủy sản như ốc bươu vàng, cá tạp để làm thức ăn nuôi lươn, nhằm giảm giá thành tăng thu nhập cho gia đình do tỷ suất lợi nhuận của mô hình nuôi lươn thương phẩm khá cao, đạt 40 - 60%.

Mặc dù nghề nuôi lươn thương phẩm đã được nông dân ứng dụng hơn 10 năm, nhưng nguồn lươn giống vẫn phụ thuộc vào tự nhiên và thời gian thả giống phụ thuộc vào mùa vụ, cách đánh bắt lươn giống chưa phù hợp dẫn đến việc khai thác lươn giống tận thu tận diệt, khai thác không gắn liền với công tác bảo vệ hay tái tạo, nên sản lượng lươn ngoài tự nhiên suy giảm trầm trọng.

Là người siêng năng, cần cù ham học hỏi và mạnh dạn ứng dụng cái mới vào sản xuất, bà Nguyễn Thị Bé Tư đã quyết tâm sản xuất lươn giống để thay thế lươn giống tự nhiên.


Từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tháng 6 năm 2013, Trạm Khuyến nông Phú Tân đã triển khai mô hình sản xuất giống lươn đồng. Dịp này, bà Nguyễn Thị Bé Tư xin đăng ký thực hiện mô hình. Được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn kỹ thuật, với sự đam mê và lòng quyết tâm, bà Tư đã mạnh dạn áp dụng vào mô hình sản xuất giống lươn của mình. Trong quá trình thực hiện, bà đã lặn lội xuống Châu Thành, rồi lên Châu Phú để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ những nông dân khác. Sau 6 tháng thực hiện, với qui mô 25 m2 thả 600 con lươn bố mẹ, mô hình sản xuất giống đã xuất bán được 2.800 con lươn giống với giá bán 3.200 đồng/con (cỡ 300 – 350 con/kg) và thu hơn 10.000 trứng. Lợi nhuận ước đạt 4.000.000 đồng. Hiện nay, mô hình sản xuất giống lươn của bà Nguyễn Thị Bé Tư đã phát triển 3 bể với năng lực sản xuất 10.000 lươn giống mỗi năm.

Bà Tư cho biết: Mô hình sản xuất lươn giống không khó chỉ cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, trong quá trình thực hiện duy trì độ pH thích hợp: 7,5 – 8,0, bố trí sục khí trong quá trình ấp trứng và chọn trùn chỉ làm thức ăn cho lươn con là phù hợp.

Tiếng lành đồn xa, mô hình sản xuất giống lươn đồng của bà Nguyễn Thị Bé Tư được nông dân nhiều xã lân cận của huyện tham quan học tập, bà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Trong số nông dân đến học tập đã có người mạnh dạn ứng dụng vào sản xuất, điển hình là ông Nguyễn Văn Lợi ở ấp Hòa An, xã Hòa Lạc.

Từ thành công của mô hình, hy vọng thời gian tới mô hình sản xuất giống lươn sẽ được nhân rộng để đáp ứng đủ nhu cầu lươn giống chất lượng cho nông dân nuôi lươn cũng như góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt.

Theo Thông tin Khuyến nông Việt Nam