Trước đây, gia đình chị Thơm phát triển chăn nuôi và trồng trọt nhưng chăn nuôi thường xuyên bị bệnh dịch, giá cả bấp bênh nên hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2009, vợ chồng chị Thơm mạnh dạn đầu tư vốn mở xưởng bóc ván với diện tích 1.300m2, mua một máy bóc, một máy tu, một máy cắt ván, một máy cắt gỗ với tổng trị giá trên 400 triệu đồng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, nghiên cứ thị trường mà xưởng gỗ của gia đình chị ngày càng phát triển. Mỗi ngày, xưởng của gia đình chị Thơm bóc hết 10m3 gỗ tròn cho thành phẩm là 7m3 ván. Sản phẩm ván bóc của gia đình chị luôn đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng nên được các thương lái đến tận xưởng thu mua. Năm 2014, xưởng gỗ cho lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi về chuyện làm kinh tế chị Thơm tâm sự: “Khi chăn nuôi không hiệu quả, hai vợ chồng tôi đã suy nghĩ rất nhiều để tìm hướng mới phát triển kinh tế. Sau thời gian tìm hiểu nhận thấy mô hình xưởng bóc ván có nhiều ưu điểm như địa phương có nhiều đồi rừng nên nguồn nguyên liệu đầu vào khá dồi dào, mặt khác thị trường ván bóc những năm gần đây lại khá ổn định nên quyết định đầu tư. Đến nay, nhờ có xuởng bóc mà kinh tế gia đình cũng phát triển hơn trước rất nhiều”.

Xưởng bóc gỗ của gia đình chị Thơm cho lợi nhuận 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 15 lao động tại địa phương

Đến nay, sau 5 năm hoạt động, xưởng gỗ của gia đình chị Thơm đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thanh Hải ở khu 2, xã Xuân Áng đã làm việc tại xưởng bóc được bốn năm. Vừa thoăn thoắt phơi từng tấm ván, chị Hải vừa cho chúng tôi biết: “Công việc ở xưởng khá đều, chỉ trừ những đợt mưa kéo dài ván không phơi được mới phải nghỉ. So với làm nông thì công việc nhàn và ổn định hơn. Chị em phụ nữ thường làm những việc nhẹ như phơi ván, đón ván với mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/tháng”.

Từ nguồn thu nhập của xưởng gỗ, gia đình chị Thơm đã có tiền xây nhà, mua sắm tiện nghi sinh hoạt và nuôi các con ăn học. Hiện nay, con gái lớn của chị đang học năm thứ 2 khoa tiếng Anh của trường Đại học Hùng Vương, cháu thứ hai là học sinh lớp 10 của trường THCS xã Xuân Áng. Với những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc, nhiều năm liền chị Thơm được bầu là hội viên suất sắc của Hội phụ nữ xã Xuân Áng, gia đình chị được công nhận là gia đình văn hóa. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Thơm là mô hình điển hình để các hội viên khác học tập và làm theo.

Hải Bình

Đài Truyền thanh huyện Hạ Hòa, Phú Thọ